Hiệu quả từ sản xuất nông - lâm kết hợp

17/04/2019 - 07:51

 - Khai thác lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng dưới các tán rừng, đất đồi dốc và khu vực ven triền núi, nhiều hình thức sản xuất nông - lâm kết hợp đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp các hộ dân gắn bó với rừng, cải thiện cuộc sống, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Với diện tích đất rừng hơn 15ha, gồm: cây sao, bạch đàn, xà cừ, keo… chạy dài từ chân lên tới đỉnh núi Cấm, ông Nguyễn Duy Mẫn (xã An Hảo, Tịnh Biên) cho biết: “Trồng rừng rất dễ, nhưng để hưởng lợi từ cây rừng thì rất lâu, nhất là đối với đất rừng đã từng bị khai thác đến bạc màu, mất rất nhiều thời gian để chăm sóc, bón phân cải tạo đất”. Lấy ngắn nuôi dài, cây lớn nuôi cây nhỏ, mỗi năm ông xin phép khai thác những cây đúng độ tuổi cần tỉa thưa rồi mua cây giống và phân bón tiếp tục trồng, cải tạo đất rừng. Ông Mẫn trồng xen 400 gốc xoài “bán khoán” cho người dân trong vùng chăm sóc khi ra bông, thu hoạch trái, tạo điều kiện để người dân quanh rừng kiếm thêm thu nhập. Không chỉ trồng rừng và cây ăn trái, ông Mẫn còn tận dụng những khoảng trống dưới tán rừng để trồng cỏ nuôi nai. Hiện nay, ông Mẫn đang có đàn nai 15 con, trung bình mỗi năm ông Mẫn thu nhập hơn 100 triệu đồng từ nhung nai.

Chuyển đổi từ đất gò cao, đất ven triền núi sang trồng cây ăn trái, tại các khu vực Tân Lợi, Ô Tứk Sa, Tà Lọt, bến Bà Chi - núi Dài lớn (xã Lê Trì, Tri Tôn), chân vồ Chư Thần (xã An Cư, Tịnh Biên), Latina (xã An Hảo, Tịnh Biên)… nhiều hộ dân đã lập vườn đồi để trồng các loại cây ăn trái, như: xoài, mãng cầu, thanh long… có thể thích nghi với điều kiện khí hậu và đất đai vùng núi. Anh Lê Thành Nguyên đang trồng khoảng 1.000 cây mãng cầu ta 4 năm tuổi xen với cây xoài ở khu vực ấp Tà Lọt (xã An Hảo, Tịnh Biên) cho biết, mãng cầu ta rất dễ trồng, thường được cư dân trồng xen cây rừng và cây bản địa. Mãng cầu ta sau khi trồng 2-3 năm có thể cho trái. Những lứa đầu, hoa rụng nhiều, trái đậu ít, sau đó sẽ cho trái nhiều và đều hơn, bình quân sản lượng từ 20-30kg/cây, có thể thu hoạch trái trên 20 năm, giá cả tương đối ổn định.

Các hộ dân ven chân núi Kéc, núi Dài nhỏ, núi Trà Sư…cũng tận dụng lợi thế từ giống cây bản địa trồng xen trên diện tích đất vùng cao, dưới tán vườn đồi, vườn rừng để tăng hệ số vòng quay của đất. Ông Trần Văn Ký (ấp núi Kéc, xã Thới Sơn, Tịnh Biên) trồng 2 công củ huyền cho biết, cây huyền là giống cây bản địa đã có từ lâu. Cây huyền được trồng xen dưới vườn đồi, vườn rừng không chỉ tiện lợi cho việc chăm sóc, mà còn có tác dụng giữ nước vào mùa khô. Bên cạnh đó, cây huyền còn mang lại thêm nguồn thu nhập cho người trồng từ việc bán củ hoặc làm bột huyền… Củ huyền thô bán giá 2.500-3.000 đồng/kg, người dân trồng củ huyền ở Bảy Núi đã bỏ công để chế biến bột huyền tinh, có thể chế biến thêm nhiều loại món ăn: bánh ít, bánh in, bánh canh, bánh đúc… thức uống bổ dưỡng và trị các chứng bệnh thông thường, qua đó giúp tăng giá trị và có thể bảo quản lâu hơn. 5kg củ huyền sẽ cho ra 1kg bột huyền tinh. Giá bán bột huyền theo nhu cầu bạn hàng và thị trường tiêu thụ, khoảng 35.000-50.000 đồng/kg, bán cho khách du lịch, thương lái ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh ĐBSCL…

Sở hữu 5ha đất vườn đồi dưới chân vồ Bà (núi Cấm), ông Hồ Văn Trung cho biết, hiện tại ông trồng nhiều loại cây, như: sầu riêng, bơ, dâu, quýt, mãng cầu xiêm, măng tre… xen dưới cây rừng. Tất cả đều được ông Trung quy hoạch, thiết kế từng khu vực phù hợp với khí hậu, độ ẩm, thổ nhưỡng và dựa vào địa hình từ cao xuống thấp, phân loại đất thịt, đất đá, đất dốc. Như vậy, khi tưới nước, bón phân sẽ có nhiều cây hưởng lợi, vừa giữ được độ ẩm cho đất, giúp cây phát triển, vừa hữu ích cho phòng, chống cháy rừng, một giải pháp sử dụng hợp lý với đất đồi núi. Công thức trồng rừng đa dạng các cây trồng xen canh giúp gia đình ông ổn định thu nhập quanh năm.

Thực tế cho thấy, từ việc sản xuất nông - lâm kết hợp và chăn nuôi dưới tán rừng vừa tạo ra nguồn lợi đặc sản miền núi, vừa mang lại giá trị kinh tế tốt cho các hộ dân đang gắn bó với rừng.

TRỌNG TÍN