Hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

09/07/2018 - 07:20

 - Thực hiện Kết luận số 120, ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” (QCDCƠCS), thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong tỉnh xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước

Quyền làm chủ của Nhân dân được thể hiện qua việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”

Dân biết

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Tiếc Hùng, việc thực hiện QCDCƠCS ở các xã, phường, thị trấn đã đi vào nền nếp, có chiều sâu. Dân chủ được phát huy thông qua việc tổ chức cho Nhân dân đóng góp ý kiến, bàn và quyết định những vấn đề có liên quan, như: xây dựng các công trình dân sinh ở địa bàn dân cư, xây dựng quy ước, hương ước, bầu cử trưởng, phó khóm, ấp, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nếp sống văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội…

Các xã, thị trấn đã niêm yết công khai các khoản thu, chi ngân sách, các loại quỹ, các khoản do Nhân dân đóng góp thực hiện các công trình kinh tế - xã hội. Hàng tuần, các địa phương có lịch tiếp công dân, giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giải đáp thắc mắc của Nhân dân để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. Nhờ đó, các vấn đề nảy sinh tại cơ sở được quan tâm, giải quyết kịp thời; các đơn thư khiếu nại, tố cáo và đơn thư vượt cấp có chiều hướng giảm… Những năm qua, các tổ hòa giải trong tỉnh đã tiếp nhận và hòa giải thành 89% vụ việc tiếp nhận, trên 90% số vụ việc được giải quyết. Qua đó, đã góp phần giải quyết các mâu thuẫn ở cộng đồng dân cư, bớt đơn thư khiếu nại vượt cấp.

Dân bàn, dân làm,dân kiểm tra

Các cấp ủy, chính quyền, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả việc thực hiện QCDCƠCS. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp Nhân dân, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, tạo đồng thuận cao của Nhân dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thực hiện QCDCƠCS đã phát huy tốt quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, các vấn đề quan trọng ở cơ sở đều được đưa ra bàn bạc, góp ý, giám sát khi thực hiện. Điển hình, thời gian qua, huyện Châu Thành đã vận động và được Nhân dân nhiệt tình ủng hộ, đóng góp công sức, vật chất trên 22 tỷ đồng tu bổ, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn huyện… Ngoài ra, hoạt động các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã giám sát được 3.343 vụ, việc đối với những nội dung, phạm vi được quy định trong pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong đó đã giám sát 1.565 công trình phúc lợi do Nhân dân đóng góp.

Góp phần xây dựng Đảng, chính quyền

Nét nổi bật qua thực hiện QCDCƠCS đã tạo nên không khí mới đối với toàn bộ hoạt động theo hướng dân chủ, tích cực và hiệu quả hơn. Các cấp ủy đã đổi mới phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Hệ thống chính trị ở cơ sở được kiện toàn; cán bộ, đảng viên được nâng cao ý thức, phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân ngày càng cao hơn, tác phong, ngôn phong khi tiếp công dân tốt hơn. UBND các cấp tích cực đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao vai trò, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ Nhân dân. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong sạch, vững mạnh.

Các tổ chức đoàn thể ngày càng được đổi mới về tổ chức và hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trách nhiệm với Nhân dân; phát huy vai trò trong việc xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện QCDCƠCS, hạn chế tình trạng hoạt động phô trương và hình thức. Hoạt động đối thoại với dân được thực hiện thường xuyên ở nhiều địa phương, giúp cho người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến Nhân dân. Từ đó, tập trung chỉ đạo nắm bắt và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị, vấn đề bức xúc, những nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Mặt khác, việc thực hiện QCDCƠCS đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, nhất là củng cố mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân ngày càng bền chặt.

THU THẢO