Hiệu quả việc tinh gọn bộ máy ở Châu Phú

27/04/2018 - 07:38

 - Bằng quyết tâm mạnh mẽ và cách làm bài bản, huyện Châu Phú (An Giang) đã thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ đó, giúp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Xã Khánh Hòa đạt chuẩn NTM sớm hơn lộ trình 1 năm

Đi đầu thực hiện mô hình “2 trong 1”

Mô hình “2 trong 1” Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã ở huyện Châu Phú được thực hiện thí điểm vào năm 2010 tại xã Ô Long Vỹ. Khi đó, do thiếu người nên việc luân chuyển, điều động cán bộ gặp khó, vì vậy Ban thường vụ Huyện ủy Châu Phú quyết định bổ nhiệm đồng chí Trần Minh Tâm (hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh) đảm nhiệm chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Ô Long Vỹ.

Sau thời gian hoạt động, nhận thấy việc nhất thể chức danh chủ chốt cấp xã giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh được sự lặp lại không cần thiết ở một số lĩnh vực công tác nên Huyện ủy Châu Phú đề ra lộ trình đến năm 2018, 13/13 xã, thị trấn của huyện sẽ hoàn thành việc nhất thể chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Với quyết tâm mạnh mẽ và cách làm bài bản, đến năm 2017, 13/13 xã, thị trấn ở Châu Phú đã hoàn thành mô hình “2 trong 1” và trở thành huyện đầu tiên của tỉnh có 100% xã thực hiện nhất thể chức danh người đứng đầu.  

Trong câu chuyện về hiệu quả của mô hình “2 trong 1” tại các địa phương, tôi được nghe nhắc nhiều đến việc xã Khánh Hòa đột phá “về đích” nông thôn mới (NTM) sớm hơn 1 năm so lộ trình do huyện đề ra. Chia sẻ về quá trình sớm đưa Khánh Hòa “về đích” NTM, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa Lê Thị Hải Âu cho biết: “Vấn đề “níu chân” lớn nhất của xã khi bắt tay vào xây dựng NTM là việc nâng cấp, láng nhựa 10km tuyến đường nối liền 4 ấp Khánh Thuận, Khánh Châu, Khánh Lợi và Khánh Đức. Để giải quyết cái khó này, tôi đã cùng cán bộ, đảng viên, đoàn thể xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về lợi ích xây dựng NTM, đồng thời, gương mẫu đóng góp ngày công, kinh phí làm đường. Nhờ đó, đã nhận được sự đồng thuận của Nhân dân, bà con chung tay đóng góp trên 10 tỷ đồng (chiếm 70% tổng kinh phí) để láng nhựa hòa thành 10km tuyến đường vòng liên ấp trong năm 2016, giúp địa phương bức phá đạt chuẩn NTM”.

Theo lộ trình đến năm 2019 Khánh Hòa mới đạt chuẩn NTM, thế nhưng, khi điều trăn trở lớn nhất được tháo gở, Khánh Hòa đã mạnh dạn đăng ký hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu NTM để được công nhận đạt chuẩn vào cuối năm 2017. Không riêng xã Khánh Hòa, các xã chưa đạt chuẩn NTM còn lại của Châu Phú kể cả những xã “vùng trong” cũng bắt đầu rút ngắn thời gian “về đích” NTM so với lộ trình ban đầu. 

Để việc nhất thể chức danh người đứng đầu mang lại hiệu quả tích cực, Bí thư Huyện ủy Châu Phú Trần Thanh Nhã nhấn mạnh: “Châu Phú đặt ra yêu cầu đối với người đảm nhận “hai vai” phải là người đủ đức, đủ tài, có năng lực trên cả 2 lĩnh vực. Đồng thời, phải thể hiện vai trò là trung tâm đoàn kết, quy tụ được cán bộ và quần chúng Nhân dân”.

Qua thực tiễn công tác tại các xã, thị trấn cho thấy mô hình “2 trong 1” đã mang lại hiệu quả thiết thực, tuy nhiên, người đóng “hai vai” phải nhận trọng trách không hề nhẹ nhàng. Chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý điều hành tại cơ sở, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh Trung Bùi Thị Ngọc Lê cho biết: “Người đảm nhận vai trò “2 trong 1” phải phân định rõ đâu là nhiệm vụ chính quyền, đâu là nhiệm vụ đoàn thể, nhất là phải phát huy tính dân chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để tránh chuyên quyền, độc đoán. Để  thực hiện tốt nhiệm vụ tôi xác định các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch UBND xã chính là “cánh tay nối dài” và mạnh dạn giao nhiệm vụ để cùng nhau quản lý hiệu quả công việc ở địa phương”.

Tinh gọn bộ máy, phát huy năng lực cán bộ

Châu Phú xác định đến năm 2021 sẽ tinh giản 313/3.127 biên chế được phân bổ (tinh giản 10% theo quy định). Do đó, bên cạnh thực hiện nhất thể chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, Huyện ủy Châu Phú còn thí điểm sắp xếp tinh gọn bộ máy ở các chức danh tương đồng như: Các Phó Bí thư đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBMTTQ xã, phụ trách khối dân vận; Ủy viên Thường trực MTTQ xã kiêm nhiệm công tác dân vận; cán bộ tổ chức kiêm trách nhiệm nội vụ; cán bộ tuyên giáo kiêm nhiệm vụ Văn phòng Đảng ủy; cán bộ văn hóa kiêm truyền thanh và quản lý nhà văn hóa xã; cán bộ địa chính - xây dựng phụ trách mảng giao thông - thủy lợi.

Khi hoàn thành lộ trình thực hiện kiêm nhiệm các chức danh, mỗi xã, thị trấn của huyện Châu Phú sẽ giảm 1 định suất cán bộ chuyên trách, giảm 6 định suất công chức, cán bộ không chuyên trách, giúp tiết kiệm khoảng 200 triệu/năm, để trợ cấp thu nhập cho cán bộ xã, thị trấn tương ứng với công việc.

Là địa phương đủ điều kiện triển khai các đề án kiêm nhiệm do Huyện ủy Châu Phú đề ra, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ: “Từ việc kiêm nhiệm chức danh, cán bộ xã đã hoạt động tích cực, trách nhiệm hơn, phát huy hết công suất, khả năng làm việc của mình. Việc kiêm nhiệm còn giúp nâng cao lòng tin của người dân đối với cán bộ khi xử lý công việc tại địa phương. Do đó, ngoài thực hiện kiêm nhiệm các chức danh theo đề án, Bình Mỹ sẽ chủ động thực hiện kiêm nhiệm thêm các chức danh phù hợp ngoài đề án khi đủ điều kiện”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Phú Lê Thị Kim Hồng cho biết: “Châu Phú thực hiện tinh giản biên chế theo đúng Nghị định số 108-2014/NĐ-CP. Khi có cán bộ xã, thị trấn về hưu sẽ bố trí người kiêm nhiệm theo đúng đề án sắp xếp, kiêm nhiệm đề ra. Đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ liên tục 2 năm thì chấm dứt hợp đồng. Cán bộ xã không đủ năng lực theo chức trách sẽ luân chuyển về ấp”.

Để đạt lộ trình tinh gọn bộ máy theo kế hoạch và để công tác kiêm nhiệm đạt hiệu quả, Huyện ủy Châu Phú yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý tốt số lượng biên chế được phân bổ hàng năm, đồng thời chỉ đạo rà soát, lập danh sách cán bộ trong quy hoạch theo từng chức danh đưa đi đào tạo về trình độ chuyên môn, chính trị. Ngoài ra, còn thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ cho phù hợp với chuyên môn, đáp ứng nhu cầu công việc.

Ngoài bố trí sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh cấp xã, thị trấn, huyện Châu Phú đã thực hiện mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ huyện; sáp nhập Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục- Thể thao huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Mới đây, Châu Phú đã thực hiện mô hình Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện. Qua đó, cho thấy quyết tâm của Đảng bộ huyện Châu Phú trong xây dựng bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

MỸ LINH