Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao

09/02/2018 - 01:15

 - Việc thí điểm phân cấp cho UBND tỉnh công nhận doanh nghiệp (DN) nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), vùng NNƯDCNC, NN sạch trên địa bàn tỉnh An Giang được xem là điều kiện thuận lợi để người dân, DN tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính ưu đãi, chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Từ đó, khuyến khích các nguồn lực đầu tư vào NNƯDCNC theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy.

Tín hiệu vui cho DN

Nhằm tạo động lực thu hút đầu tư vào NN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNT thí điểm phân cấp cho tỉnh công nhận DN NNƯDCNC, vùng NNƯDCNC, tiêu chí xác định dự án NNƯDCNC, dự án NN sạch trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đây là cơ sở quan trọng để tiến tới hỗ trợ các DN, tổ chức nông dân và người sản xuất được thuận lợi tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính ưu đãi cho vay theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN, ngày 24-4-2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (chương trình cho vay khuyến khích phát triển NNƯDCNC, NN sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7-3-2017 của Chính phủ.

Sở NN&PTNT đã hỗ trợ các DN, tổ chức nông dân thực hiện hồ sơ đề nghị công nhận vùng NNƯDCNC đối với vùng trồng lúa giống của Tập đoàn Lộc Trời, vùng chuyên canh nếp Phú Tân, vùng trồng chuối của Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Vĩnh Phát, vùng sản xuất giống cá tra của Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Thắng, vùng chuyên canh xoài huyện Chợ Mới…

Đồng thời, hỗ trợ thực hiện hồ sơ đề nghị công nhận đối với các dự án NNƯDCNC liên kết tiêu thụ sản phẩm NN của Công ty Asia Star, dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo, gà công nghệ cao (CNC) và trồng cây ăn trái của Công ty TNHH NN CNC An Khang, dự án phát triển chăn nuôi heo CNC của Công ty TNHH MTV Hoàng Vĩnh Gia, dự án phát triển chăn nuôi bò và trồng chuối cấy mô CNC của Công ty TNHH MTV SD, dự án sản xuất giống và chăn nuôi heo CNC của Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang...

Nỗ lực hỗ trợ của tỉnh là động lực quan trọng để có thêm nhiều DN, hợp tác xã (HTX) đầu tư vào NNƯDCNC, lĩnh vực khó, đòi hỏi nguồn vốn và công sức lớn nhưng bù lại, giá trị thu được cao và bền vững.

Vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư cho biết, cùng với triển khai thực hiện các quy hoạch chi tiết vùng sản xuất NNƯDCNC cho 8 nhóm sản phẩm đã được UBND tỉnh phê duyệt (lúa gạo, thủy sản, chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, dược liệu, nấm ăn - nấm dược liệu), các đơn vị chuyên môn của sở đã tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người sản xuất tại các vùng quy hoạch thông qua các hoạt động đào tạo tập huấn chuyên ngành, hỗ trợ xác lập các vùng sản xuất trọng điểm cho các đối tượng nông sản chủ lực, phù hợp với đặc điểm, điều kiện sản xuất của từng địa phương. Qua đó, tạo thuận lợi cho tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, hình thành các vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với DN.

Theo ông Thư, năm 2018, Sở NN&PTNT sẽ rà soát, vận dụng hiệu quả, linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển NN, nông thôn, nông thôn mới, NNƯDCNC, các quy định tiêu chí NNCNC, các chính sách ưu đãi đặc thù của tỉnh, tạo cơ chế thông thoáng, thúc đẩy phát triển sản xuất và kêu gọi đầu tư hiệu quả phát triển sản xuất NNƯDCNC cho tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học - công nghệ (KHCN), phục vụ phát triển sản xuất NNƯDCNC. Tỉnh tăng cường phối hợp, hình thành và phát triển các dịch vụ KHCN, thị trường KHCN để thương mại hóa các giải pháp KHCN, các sản phẩm NNCNC, hệ thống hậu cần sản xuất phục vụ hiệu quả cho sản xuất NNƯDCNC. Từ đó, tăng cường chuyển giao các ứng dụng công nghệ hiệu quả vào sản xuất, cụ thể hóa các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật của nông dân và DN, cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư kỹ thuật, công nghệ thực hiện các dự án KHCN, thực hiện các mô hình phát triển sản xuất NNƯDCNC.

Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao

Vùng sản xuất NNƯDCNC của Tập đoàn Lộc Trời

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN

 

Liên kết hữu ích