Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ

29/08/2018 - 06:48

 - Trong xu thế phát triển và hội nhập như hiện nay tài sản trí tuệ (TSTT) được coi như là tài sản lớn, hữu ích được các doanh nghiệp coi trọng. Vai trò của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là quyền sở hữu công nghiệp có ý nghĩa lớn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, lưu thông hàng hóa của mỗi tổ chức, đơn vị.

Mặc dù nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, việc sản xuất- kinh doanh đứng trước những thách thức không nhỏ nhưng các doanh nghiệp (DN) nỗ lực giữ vững TSTT và vượt qua khó khăn để giữ vững thương hiệu. Giai đoạn 2011-2015, từ chủ trương của UBND tỉnh hỗ trợ phát triển TSTT, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã trực tiếp hướng dẫn thủ tục 870 lượt tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; 153 lượt người gia hạn, giải trình, khiếu nại, sửa đổi và chuyển nhượng nhãn hiệu trong nước; 15 lượt người đăng ký nhãn hiệu tại Campuchia, Lào, Indonesia, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản; 1 lượt người về gia hạn và 6 lượt người làm báo cáo, bản tuyên thệ sau 5 năm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Campuchia. Ngoài ra, hỗ trợ 40 lượt cơ sở, DN về kiểu dáng công nghiệp (bao đựng lúa giống, bao bì, mô hình nhà vệ sinh, túi ny-lon đựng dưa xoài, hộp đựng mỹ phẩm, chai nước chấm, cân điện tử, máy cắt lúa xếp dãy, bao đựng phân bón)....

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, tỉnh đã đồng hành với cơ sở, DN thúc đẩy quá trình hội nhập với tinh thần chủ động, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ địa phương. Sau khi được hỗ trợ, một số DN khai thác TSTT có hiệu quả. Điển hình như: Công ty Cổ phần Dược phẩm Agimexpharm, Công ty TNHH Đông Dược Vĩnh Quang, Trung tâm giống thủy sản An Giang… Đặc biệt, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) và hộ kinh doanh Lý Văn Quang được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu nước ngoài và dần khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ nhãn hiệu, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quảng bá sản phẩm tại các kỳ hội chợ

Giai đoạn 2016-2017, với sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh, Bộ KH&CN, Sở KH&CN trong tuyên truyền, phổ biến SHTT phát triển các nhãn hiệu cộng đồng (nhãn hiệu chứng nhận nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý) đến nay toàn tỉnh có 64 nhãn hiệu cộng đồng đăng ký bảo hộ. Theo đánh giá của UBND tỉnh, hoạt động SHTT đạt nhiều kết quả tích cực đối với đời sống, kinh tế - xã hội. Nhận thức của xã hội về SHTT từng bước được nâng cao, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong KH&CN, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ý nghĩa hơn, tạo căn cứ bảo đảm cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm đúng nguồn gốc, chất lượng, số lượng TSTT được tạo lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển.

Theo Cục SHTT, An Giang có 2.990 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, đã cấp 2.071 giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, kết quả trên ở An Giang còn khiêm tốn so với 6.643 DN và 13.026 hộ kinh doanh trên toàn tỉnh. Mặt khác, một số DN chưa nhận thức đầy đủ, vẫn còn những hành vi xâm hại quyền SHTT của DN khác, làm thiệt hại đến uy tín của chính DN và thiệt hại kinh tế của tỉnh. Nhận thức và hiểu biết của Nhân dân về lĩnh vực SHTT còn hạn chế; ý thức tôn trọng và hiểu biết quyền SHTT của người dân về Luật SHTT vẫn chưa cao.

Từ thực tiễn đó, An Giang đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển TSTT từ nay đến năm 2020. Mục tiêu hướng dẫn ít nhất 250 lượt tổ chức, cá nhân lập hồ sơ xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; 135 đối tượng sở hữu công nghiệp. Phấn đấu 4-5 nhãn hiệu cộng đồng và cá nhân đăng ký được bảo hộ tại nước ngoài. Đáp ứng 100% các yêu cầu về tư vấn, hướng dẫn xác lập quyền sở hữu công nghiệp, được tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về tạo lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển TSTT. Đáp ứng 100% các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống của địa phương đã được cấp văn bằng bảo hộ được hỗ trợ để quảng bá xúc tiến thương mại tại các kỳ hội chợ trong nước. Hỗ trợ khai thác, áp dụng sáng chế, giải pháp hữu ích, hợp đồng chuyển giao quyền SHTT cho DN, tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Đến năm 2020, tăng gấp 2 lần số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ; hỗ trợ khai thác, áp dụng thực tiễn cho ít nhất 5-7 sáng chế, giải pháp hữu ích. Phát huy giá trị các nhãn hiệu đặc sản đã được xây dựng chưa đưa vào khai thác sử dụng, quản lý, phát triển...

Hỗ trợ tất cả DN, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (trừ các DN 100% vốn nước ngoài); ưu tiên DN nhỏ và vừa, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Hỗ trợ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu (đăng ký trong nước và quốc tế). Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp của TSTT hoặc được Nhà nước ủy quyền quản lý TSTT. Hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng chuẩn cho cơ sở, DN có nhãn hiệu mới được bảo hộ tham gia hội chợ trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ 100% chi phí tổ chức sự kiện, chi phí hợp đồng tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành.

Bài, ảnh: CHÂU AN