Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững

26/10/2018 - 19:36

Ngày 26-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả ba năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả ba năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong đầu nhiệm kỳ; đồng thời cho rằng, Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.

Ghi nhận thành công lớn trong phát triển kinh tế-xã hội

Các đại biểu nhận định, năm 2018 đã kết thúc thắng lợi, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sự điều hành vững chắc, sát sao, quyết liệt của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt được hầu hết tất cả các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, trong đó có hơn 2/3 các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Sau nửa nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP từ 5,91% giai đoạn 2011-2015 thì đến nay là 6,57% của giai đoạn 2016-2018. Nợ công giảm hai con số từ 63,7% năm 2016 xuống còn 61,4% năm 2018. Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018 ước tính đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam là một trong 18 nền kinh tế có hiệu quả vượt trội so với các nền kinh tế mới nổi còn lại.

Đại biểu Trần Trí Quang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng những thành quả vượt trội về kinh tế-xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2018 đã tạo được niềm tin sâu sắc trong xã hội, tạo dựng nền tảng vững chắc cho cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Theo đại biểu, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định ngày càng vững chắc. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt được nhiều kết quả quan trọng. An ninh chính trị, trật tự an toàn được đảm bảo. Nhiều hiệp định song phương, đa phương diễn ra mở ra triển vọng với nhiều thị trường rộng lớn. Nhân dân, cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) khẳng định thành tựu đó là sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị mà trước hết là vai trò lãnh đạo của Trung ương, điều hành quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và cử tri cả nước. Theo đại biểu, cử tri rất vui mừng phấn khởi trước những bước phát triển của đất nước. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ mặc dù bận rộn nhiều công việc nhưng có mặt kịp thời, động viên, đối thoại với người dân khi gặp thiên tai, bão lũ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định sự bền vững của phát triển kinh tế

Bên cạnh những thành tựu đạt được, các đại biểu cho rằng nền kinh tế đất nước đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nền nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro về thị trường, dễ bị tổn thương. Nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động giá rẻ, chế biến thô là phổ biến. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế. Những hạn chế đó không chỉ mất lợi thế mà đang hình thành những yếu tố bất lợi trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới và trước cuộc cạnh tranh thương mại, bảo hộ mậu dịch diễn biến khó lường.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) nhận định doanh nghiệp, doanh nhân phải đang đối phó với rủi ro từ chính sách pháp luật. Để đạt được mục tiêu xây dựng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động thực chất vào năm 2020 khó mà đạt được. Chính vì vậy, nguyện vọng của cử tri và của nhân dân là mong muốn Quốc hội, Chính phủ xây dựng một môi trường chính sách pháp luật ổn định, tôn trọng sự phát triển của quy luật kinh tế thị trường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tạo động lực để các doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh trong phát triển và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh phát biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Để nền kinh tế của đất nước phát triển bền vững, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phân tích Đảng đã xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển các thành phần kinh tế, hoạt động bình đẳng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua, hệ thống chính sách và pháp luật hiện nay còn rất nhiều điều cần quan tâm. Đại biểu cho rằng, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục thể chế hóa các định hướng ấy bằng chính sách và pháp luật một cách hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và cho cả giai đoạn 2016-2020, một yếu tố mang tính chất quyết định, đó là việc huy động quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng thất thoát lãng phí, tham nhũng và tiêu cực trong việc chi tiêu, quản lý nguồn lực công. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong tất cả các khâu quản lý, sử dụng nguồn lực tài sản công, nhất là ngân sách nhà nước và đầu tư công.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) cho rằng lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98,1% là đối tượng chính tạo nguồn thu ngân sách, quyết định sự bền vững của phát triển kinh tế lại khó tiếp cận ưu đãi, đặc biệt là vốn. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực nhưng lúng túng trong việc triển khai, do tình trạng nợ đọng nghị định hướng dẫn thi hành về quỹ phát triển. Theo đại biểu, Chính phủ cần có cơ chế đột phá, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển để tạo đối trọng đủ mạnh, hợp tác bình đẳng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh khẳng định muốn sản xuất theo chuỗi ứng dụng khoa học thành tựu công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất nông nghiệp cần có cơ chế thúc đẩy nhanh, quyết liệt hơn nữa quá trình tích tụ đất đai sản xuất tập trung, đưa công nghệ cao thâm nhập vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị nhằm phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ thân thiện với môi trường, đẩy mạnh hợp tác xã, liên kết với nông dân, với doanh nghiệp hợp tác xã, coi doanh nghiệp là động lực, là đầu tàu dẫn đầu trong chuỗi sản xuất. 

Phân tích những nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội, các đại biểu đề nghị Chính phủ xác định lại mức giao dự toán thu ngân sách cho một số địa phương cho phù hợp với mức thu thực tiễn trong những năm gần đây; khắc phục những hạn chế bất cập trong đầu tư công để đảm bảo việc giải ngân hết trong năm kế hoạch, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao chất lượng các dự án quốc gia nhằm phát huy hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công.

Các đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần tập trung nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời đánh giá lại hiệu quả việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh để có giải pháp giúp cho doanh nghiệp phát triển.

Theo VIETNAM+