Hoa màu vào vụ đón Tết

14/01/2019 - 07:30

 - Thời điểm này, nhiều nông dân xã Mỹ Đức (Châu Phú) đang tất bật với việc chăm sóc hoa màu để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán 2019.

Trồng rau màu bán Tết được xem là vụ mùa mang đến thu nhập khá, do đó, bà con nông dân rất chú trọng từ khâu cải tạo đất, chọn giống, bón phân, xịt thuốc để vụ mùa sản lượng cao nhất. Anh Trà Văn Nhỏ (ấp Mỹ Thiện) là nông dân có nhiều năm kinh nghiệm canh tác rau mùa cung ứng thị trường Tết cho biết: “Năm nay, nhà tôi trồng 2 công dưa leo và 7 công ớt bán Tết. Hiện nay, dưa leo thu hoạch bán với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg, ớt khoảng 20.000/kg, nếu giá ổn định đến Tết thì lợi nhuận vụ dưa leo và ớt mang lại kha khá để gia đình đón Tết sung túc”.

Không riêng anh Nhỏ, nông dân trồng rau màu xã Mỹ Đức ai nấy đều kỳ vọng vụ rau màu đón Tết năm nay sẽ là mùa làm ăn thắng lợi. Bởi, nghề trồng rau màu lắm công phu, suốt mấy tháng ròng chăm sóc, thời điểm nào cũng quan trọng đối với chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây, người trồng chỉ sơ sẩy một công đoạn kỹ thuật có thể ảnh hưởng nguồn thu nhập quan trọng trong năm của gia đình. Do đó, để hạn chế những thiệt hại và bảo vệ vườn, mỗi nông dân cố gắng trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để trồng rau màu đạt năng suất cao nhất. Thời điểm này, các loại rau củ bắt đầu tăng giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Ông Hùng (nông dân ấp Mỹ Thiện) cho biết, gia đình ông đang trồng 5 công bí đao bán Tết, khoảng hơn 1 tháng trước bí đao có giá 4.000 - 5.000 đồng/kg. Thời điểm này, bí đao bắt đầu hút hàng, do được các cơ sở thu mua để làm mứt bán Tết nên giá tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Hoa màu vào vụ đón Tết

Nông dân Mỹ Đức chăm sóc hoa màu đón Tết

Cùng với các loại rau, củ, quả, hoa chưng Tết cũng là sản phẩm được nhà vườn chăm chút suốt mấy tháng qua để chờ ngày cung ứng ra thị trường. Dù không phải là làng hoa nổi danh như những địa phương khác, nhưng vào thời điểm này, các hộ dân trồng hoa thuộc ấp Mỹ Phó (xã Mỹ Đức) đã bắt tay vào vụ hoa Tết. Tính từ ngày những cây hoa đầu tiên phục vụ thị trường Tết được trồng trên mảnh đất này đến nay đã trên 15 năm, qua nhiều năm gắn bó với nghề, kinh nghiệm của người trồng hoa được nâng lên, nhất là ý thức trong việc tạo sản phẩm gắn liền với thị trường tiêu thụ.

Tùy điều kiện thực tế, hàng năm, mỗi hộ dân nơi đây sẽ sản xuất từ vài trăm đến vài ngàn chậu hoa, chủ yếu trồng các loại hoa truyền thống: cúc, vạn thọ, hoa giấy, hướng dương… Những năm gần đây, cúc pha lê được nông dân xuống giống với số lượng lớn hơn so với các loại hoa khác, bởi chúng thích nghi với nhiều loại đất, có khả năng kháng sâu bệnh cao nên ít tốn chi phí, giúp gia tăng lợi nhuận cho người trồng hoa. Tuy nhiên, để cúc pha lê phát triển tốt, nở hoa đúng ngày Tết, người trồng phải am hiểu cách chăm sóc phù hợp từng chu kỳ phát triển của cây. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân trồng cúc pha lê tại ấp Mỹ Phó, khi xuống giống, sau 1 tuần bén rễ phải giăng bóng đèn để tăng chu kỳ quang học cho cây, đây là cách không cho hoa “ngủ”, kích thích cây bằng ánh sáng để cây phát triển liên tục. Nếu “nuôi” cây đúng kỹ thuật, hoa sẽ to, cánh hoa dày, màu sắc rực rỡ. Ngoài ra, để tạo ra được chậu hoa đẹp phải chú trọng công đoạn lặt tỉa nụ thật khéo léo, để cây nở hoa đều chậu và phủ đều từ thân đến ngọn.

Hoa màu vào vụ đón Tết

Hiện, mỗi cặp cúc pha lê được nông dân cho xuất vườn với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 1 triệu đồng tùy kích cỡ. Đối với nhà vườn trồng hoa, đây là nguồn thu nhập chính trong năm, nên người trồng hoa sợ nhất là thời tiết diễn biến thất thường, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, cây phát bệnh và nếu không xử lý tốt thì bệnh sẽ lây lan trên diện rộng, hoa trổ không đúng thời điểm. Tuy nhiên, thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, mưa ít, nắng nhiều thích hợp cho hoa phát triển, chỉ một số ít hoa bị vàng lá do ảnh hưởng sương mù buổi sáng, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của hoa.

MỸ LINH