Hoạt động xét xử vụ bắn rơi máy bay MH17 sẽ diễn ra tại Hà Lan

13/06/2018 - 14:28

Ngày 12-6, Quốc hội Hà Lan đã thông qua một hiệp ước đã ký với Ukraine về việc xét xử những đối tượng chịu trách nhiệm trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines khiến 298 người thiệt mạng, chủ yếu là công dân Hà Lan, hồi tháng 7-2014.

Một phần máy bay MH17 bị phá hủy sau khi rơi ở làng Hrabove, cách khu vực tuyên bố ly khai Donetsk khoảng 80km về phía đông tháng 9-2014. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo hiệp ước nói trên, các phiên tòa xét xử đối tượng tình nghi sẽ diễn ra tại một tòa án của Hà Lan, nhiều khả năng là tại La Haye. Hiệp ước cũng cho phép tiến hành xét xử trực tuyến. 

Những đối tượng bị kết tội và phạt tù sẽ phải thi hành án tại Ukraine nếu không thể dẫn độ sang Hà Lan. 

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Hà Lan Stef Blok và người đồng cấp Ukraine Pavlo Patrenko đã ký hiệp ước này vào tháng 7-2017, thời điểm đánh dấu 3 năm kể từ sau vụ tai nạn thảm khốc nói trên. 

Việc Quốc hội Hà Lan thông qua hiệp ước nói trên diễn ra sau khi Nhóm Điều tra chung (JIT) gồm đại diện Hà Lan, Australia, Malaysia, Bỉ và Ukraine quy trách nhiệm cho Moskva về vụ máy bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014.

JIT đã ra tuyên bố xác định rằng tên lửa BUK-TELAR được sử dụng để bắn rơi máy bay MH17 là thuộc Lữ đoàn Phòng không số 53 của quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk (Nga). 

Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc này, đồng thời khẳng định không có bất cứ tổ hợp tên lửa nào của nước này được đưa qua biên giới Nga-Ukraine.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, Moskva đã cung cấp cho các nhà điều tra Hà Lan bằng chứng đầy đủ chứng minh một hệ thống tên lửa Buk của Ukraine được sử dụng để bắn hạ máy bay. 

Ngày 17-7-2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine. 

Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu là người Hà Lan. Tuy nhiên, ủy ban điều tra tai nạn này - JIT - bao gồm đại diện của 5 nước gồm Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine. 

Một báo cáo của JIT công bố tháng 9-2016 kết luận rằng máy bay đã bị bắn bởi một tên lửa Buk do Nga sản xuất, từ một khu vực ở Đông Ukraine do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Nhà chức trách Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này. 

Tuy nhiên, Moskva và những người đứng đầu lực lượng nổi dậy ở Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát.

Theo TTXVN/VIETNAM+