Học luật qua phiên tòa giả định

20/07/2018 - 06:49

 - Đây là một trong những hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL) trực quan, sinh động mang lại hiệu quả thiết thực, bởi tình huống gắn liền với thực tế, diễn ra trong đời sống hàng ngày.

Phiên tòa giả định (PTGĐ) là một phần quan trọng trong hội thi “Thanh niên với các hình thức tuyên truyền, phổ biến, GDPL” do Sở Tư pháp và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức đang diễn ra sôi nổi lần lượt ở các huyện, thị xã, thành phố. Các đội trải qua 2 phần thi: diễn tiểu phẩm (30% số điểm), PTGĐ (70% số điểm).

So với 2 năm trước, hội thi năm nay có nội dung rất phong phú, các đội bốc thăm để tránh chỉ tập trung vào lĩnh vực hình sự nên phiên tòa giả định trải đều trên từng lĩnh vực, chủ đề khác nhau. Ban Tổ chức yêu cầu các đội dự thi phải thể hiện rõ ý nghĩa, bài học kinh nghiệm để tuyên truyền, phổ biến GDPL thiết thực, hiệu quả trong cộng đồng dân cư.

Theo Trưởng phòng Tư pháp huyện Phú Tân Đặng Hồng Thái, công tác tuyên truyền, phổ biến GDPL những năm gần đây chủ yếu thực hiện qua hội nghị, tập huấn văn bản, tuyên truyền miệng, hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật. Nổi trội trong 2 năm nay, việc tổ chức PTGĐ là hình thức mới rất bổ ích và đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp thanh niên có bản lĩnh, niềm tin khi xử lý tình huống trong thực tế, khi tiếp xúc người dân.

Đáng chú ý là cách chọn lựa tình huống của các đội thi để dựng tiểu phẩm dẫn dắt vào PTGĐ đều là chuyện thực tế, gần gũi. Hình thức này còn góp phần “làm mới” cách tuyên truyền đến người dân phong phú hơn, thu hút nhiều tầng lớp quan tâm và tiếp thu kiến thức pháp luật chủ động.

Học luật qua phiên tòa giả định

Trình bày tiểu phẩm và phiên tòa giả định tại hội thi

Bạn Nguyễn Thế Huy (Văn phòng HĐND và UBND huyện Phú Tân) cho biết, lần đầu tiên tham gia hội thi rất bỡ ngỡ và hồi hộp. Khi đã “bắt nhịp” với các thành viên, Huy nhận ra hội thi này đem lại rất nhiều lợi ích cho chính mình và những người đến xem, trong đó có nhiều kiến thức mà một công chức trẻ như Huy chưa nắm hết. Huy tiết lộ bản thân là người khá rụt rè nhưng đến với hội thi bạn đã mạnh dạn hơn, hoạt bát hơn, dần hình thành phong cách tiếp xúc nơi đông người, cũng là kinh nghiệm để Huy áp dụng khi giao tiếp với người dân đến cơ quan làm việc sau này.

Tham dự cùng đội thi tại cụm Phú Tân - Tân Châu, Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Tân Lưu Thị Ngọc Huỳnh cho biết, PTGĐ đang trở thành hình thức “học luật” quen thuộc không chỉ dành riêng cho Đoàn Thanh niên. Nhiều năm qua, Huyện đoàn đã tổ chức luân phiên tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Địa điểm được chọn thực hiện PTGĐ là những xã phức tạp về tình hình an ninh trật tự hoặc tuyên truyền theo nhu cầu đăng ký của các địa phương theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng. Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị vỡ hụi, chủ hụi ôm hàng tỷ đồng bỏ trốn khiến hàng chục gia đình lâm vào cảnh khốn đốn. Năm 2017, tại Phú Tân cũng xảy ra 10 vụ vỡ hụi có quy mô lớn, số tiền ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Đơn vị Phú Tân đã tái hiện lại toàn cảnh vụ việc trên với tiểu phẩm “Chuyện thật như đùa” và PTGĐ xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

“Chúng tôi muốn gửi đến thông điệp là việc chơi hụi được pháp luật cho phép nhưng phải tuân theo quy định, thủ tục nhất định của pháp luật. Đây là cách để người dân tích góp vốn, giúp đỡ nhau làm ăn phát triển kinh tế, tuy nhiên thực tế, việc chơi hụi bị biến thể, người chơi thì chủ quan, tin tưởng chủ hụi nên không lường trước những rủi ro”- thành viên trong đội thi chia sẻ.

Không chỉ tại hội thi này, quan sát trong những PTGĐ tổ chức ở cơ sở, đoàn viên, thanh niên, hòa giải viên cơ sở và người dân địa phương có mặt rất đông, luôn chăm chú lắng nghe từng tình tiết của vụ án. Những PTGĐ mang tính trực quan không chỉ phản ánh những hành vi phạm tội, các quy định pháp luật nghiêm cấm và mức án được áp dụng, mà còn giúp người dân biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật thông qua mức án được tuyên xử.

MỸ HẠNH