Học tập Bác bằng những câu chuyện kể

16/04/2018 - 06:37

 - Là những câu chuyện kể về phẩm chất tốt đẹp, lối sống giản dị của Bác được phản chiếu qua từng con người, sự việc cụ thể trong thực tiễn. Đó là một trong những cách tuyên truyền của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Phú Tân để đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống.

Thời gian qua, bên cạnh các mô hình học tập và làm theo Bác đã và đang phát huy hiệu quả, như: thực hành tiết kiệm, giúp đỡ người nghèo, hội viên và học sinh, vận động Nhân dân chăm lo phát triển cộng đồng… Huyện ủy Phú Tân (An Giang)  còn quan tâm đến công tác tuyên truyền, đặc biệt là việc giới thiệu, tôn vinh và nhân rộng các mô hình hay, gương người thật, việc thật ở các địa phương, đơn vị để nhân rộng toàn xã hội.

Năm 2017, lần đầu tiên Phú Tân tổ chức hội thi kể chuyện “Gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo Bác”, đến nay, có nhiều nhân vật được phát hiện và giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi.

Lấy cảm hứng từ đời thực để nhân lên những tấm gương “sống đẹp”, ở mỗi địa phương, gương nguời tốt, việc tốt được các cá nhân ghi nhận từ chính trong chi bộ, cơ quan, đoàn thể và cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Thông qua việc tiếp xúc hàng ngày, mọi người có dịp gần nhau hơn, tìm hiểu, đánh giá lẫn nhau trong cách sống, làm việc và tự chọn một gương hoặc sự việc tâm đắc đem lại bài học cho bản thân.

Vì vậy, những lãnh đạo gần dân, gắn bó với địa bàn dân cư, hội viên các đoàn thể tích cực trong công tác, nông dân chí thú làm ăn và tâm huyết làm từ thiện, học sinh vượt khó, học giỏi… đều trở thành nhân vật đi vào các câu chuyện.

Việc kể chuyện không dừng lại ở hội thi, mà đi vào đời sống được nhiều người truyền cho nhau, nêu gương trong các đợt sinh hoạt ở cơ sở để mọi người học tập.

Điển hình như cô Phạm Thị Bích Thủy (giáo viên Trường THPT Chu Văn An) là thí sinh đạt giải nhì tại hội thi kể chuyện cấp huyện. Bản thân cô đồng thời là nhân vật được nhiều đồng nghiệp chọn làm gương để giới thiệu về ý chí vượt khó trong cuộc sống, cần cù trau dồi chuyên môn và thể hiện lòng yêu nghề.

Trong mắt đồng nghiệp, cô Thủy luôn là người sống cho người khác, được giao nhiệm vụ gì cũng làm bằng tất cả sự cố gắng và trách nhiệm.

Nhờ bài viết của chị Huỳnh Thị Kim Sang, lão nông Trần Văn Tứ (72 tuổi, xã Hiệp Xương) được nhiều người biết đến. Yêu kính và làm theo Bác Hồ, hơn 30 năm qua, ông Tứ cặm cụi với việc cất nhà cho người nghèo, cố gắng làm nhiều việc thiện để mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội.

Ông Tứ có lối sống giản dị, gần gũi, được mọi người quý mến, lại không quản ngại tuổi tác tham gia cất cầu, làm đường nên những lúc cần vận động thực hiện công trình phúc lợi trong xã, ông mở lời bà con đều đồng tình hưởng ứng.

Chị Nguyễn Thị Dứa (ấp Phú Cường A, xã Phú Thạnh) là một trong rất nhiều gương phụ nữ của huyện đi vào chuyện kể. Chị đã khẳng định ý chí mạnh mẽ của mình qua cách sống, vượt lên mọi khó khăn: chồng mất sớm, gia cảnh thiếu trước hụt sau, một mình nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định.

Lo xong phần của mình, chị chia sẻ với người nghèo bằng cách giúp gạo, tiền mặt, cấp phát quà định kỳ, động viên những chị, em còn khó khăn tiếp tục phấn đấu vuơn lên.

Học theo Bác không phải là việc gì quá to tát, lớn lao. Trong từng việc nhỏ nhặt nhất, mỗi người vẫn có thể tự tỏa sáng bản thân, miễn đó là việc có ích cho gia đình, xã hội.

Từ những câu chuyện kể, rất nhiều gương người thật, việc thật một cách bình dị, gần gũi và mang ý nghĩa cao đẹp đã được lan tỏa sâu rộng. Cách làm này còn góp phần cho việc tuyên truyền thêm sinh động, nâng cao nhận thức, cổ vũ cán bộ, đảng viên cùng Nhân dân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thêm hiệu quả.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích