Học tập cách làm du lịch nông nghiệp

23/07/2018 - 07:28

 - Cũng với những vườn cây ăn trái, sông nước, cù lao, vẫn là những món ăn giản dị, văn nghệ đờn ca tài tử cùng con người miền Tây hiền hòa, dễ mến, Tiền Giang làm du lịch nông nghiệp (DLNN) khá thành công. Chuyến đi trải nghiệm đến địa phương này là những kinh nghiệm quý để DLNN An Giang phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác “tài nguyên xanh” ở các vùng nông thôn.

Chú ý đầu ra sản phẩm

Chuyến trải nghiệm DL đến Tiền Giang chủ yếu dành cho cán bộ quản lý DL và những nông dân tham gia mô hình DLNN trên địa bàn An Giang. Cùng với đó là sự đồng hành, phân tích, chia sẻ của ThS Nguyễn Hữu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng DL Sài Gòn.

Cùng là cảnh sắc miền Tây nên những “nguyên liệu” làm DLNN của Tiền Giang cũng tương tự như An Giang. Tuy nhiên, nhờ cách tổ chức chuyên nghiệp, có sự kết nối giữa các điểm DL và sáng tạo nhiều sản phẩm DL mới nên khu vực Cái Bè (Tiền Giang) thu hút DL khá tốt. “Do khai thác DL sông nước nên tàu là phương tiện chở khách chủ yếu. Các tàu ở đây được đầu tư bài bản, có phao cứu sinh, sử dụng giàn loa ngay trên tàu, có hướng dẫn viên thuyết minh. Khi đến các điểm tham quan, đều có cầu tàu để cập bến. Khi vận chuyển khách trên sông nước, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Đây là điều mà An Giang cần lưu ý” - ThS Nguyễn Hữu Toàn phân tích.

Trong hành trình dọc theo sông nước, sau khi tham quan chợ nổi Cái Bè, đoàn trải nghiệm ghé qua cơ sở sản xuất (SX) cốm kẹo Hải Vân. Tại đây, toàn bộ quy trình SX kẹo dừa từ lột vỏ trái dừa, nạo bằng máy, ép nước cốt, nấu cô đặc trên bếp, pha trộn nguyên liệu trái cây, đổ vào khuôn, cắt kẹo cho đến gói kẹo đều diễn ra trước mặt khách. Tương tự, với sản phẩm (SP) cốm nổ, từ công đoạn rang cát nóng trên chảo lớn, đổ lúa vào, cốm nổ bung lên, sàng cát, lọc bỏ vỏ trấu, trộn vào nguyên liệu cho đến những bịch cốm thành phẩm cũng được thực hiện cho khách chứng kiến. Trong quá trình chế biến, khách được thưởng thức kẹo dừa, bánh cốm từ giai đoạn thô đến thành phẩm. “Khi sử dụng một SP, ai cũng muốn biết quy trình SX. Khi được trải nghiệm quan sát, cùng tham gia làm với người thợ và thưởng thức SP tại chỗ có cảm giác rất thú vị. Mục đích cuối cùng của việc biểu diễn cho khách xem là bán được SP nhiều hơn. Do vậy, khi tiến hành hoạt động DL trải nghiệm, cần có SP đi kèm để bán cho du khách” - ThS Toàn chia sẻ. Đối với mô hình chợ nổi, ông Toàn cho rằng, đặc thù của các chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Phong Điền (Hậu Giang), Năm Căn (Cà Mau) là bán trái cây, đang có dấu hiệu mai một, thu hẹp dần. “Tuy nhiên, chợ nổi Long Xuyên (An Giang) thì lại khác bởi có lượng lớn sản phẩm rau, củ. Nếu phát huy yếu tố này cùng với cách tổ chức DL chuyên nghiệp hơn, chợ nổi Long Xuyên sẽ là SP DL hấp dẫn” - ThS Toàn phân tích thêm.

“Tài nguyên xanh” là vô tận

Đối với DL homestay, bên cạnh lợi thế khai thác làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), đoàn khảo sát An Giang còn được tham quan mô hình homestay tận dụng không gian xanh do con người tạo ra với vườn cây ăn trái, bơi xuồng theo con rạch, tát mương bắt cá, đạp xe giữa miền quê thanh bình, yên ả… ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy). Vẫn là homestay nhưng các phòng nghỉ được thiết kế cao cấp, tiện nghi, từng phòng nằm riêng biệt, ẩn mình giữa vườn cây rợp bóng mát. Giá phòng tại đây không thua kém khách sạn 4 - 5 sao khi lên đến 40 - 50USD/ngày đêm (tương đương 0,9 - 1,2 triệu đồng/phòng) nhưng khách sẵn sàng chi trả. Những dịp nghỉ lễ, tết, cuối tuần, đôi khi không có đủ phòng đáp ứng nhu cầu. Ngay bên bờ cù lao Tân Phong, một nhà hàng với khung gỗ, lợp lá dừa nước liên tục phục vụ khách. Chỉ đơn giản là những món ăn miệt vườn như ốc hấp, cá sát kho tiêu, cá tai tượng chiên xù, canh chua cá hú, bánh xèo… nhưng bữa ăn trở nên thú vị khi có kết hợp biểu diễn đờn ca tài tử. Với du khách nước ngoài, dù có thể họ không hiểu tiếng hát, lời ca nhưng luôn tỏ vẻ thích thú với những thanh âm mới lạ, đặc thù của vùng đất Nam Bộ. Còn với du khách bản địa, việc kết hợp giao lưu đờn ca tài tử với “nghệ sĩ” cù lao Tân Phong như một kỷ niệm đẹp của chuyến đi.

Song hành cùng đoàn khảo sát, ThS Nguyễn Hữu Toàn cho rằng, ĐBSCL có một “kho báu” quý giá với nguồn “tài nguyên xanh” vô tận. “Cần lưu ý rằng, khi đi DL, ngoài phòng ngủ, thức ăn là những vật chất nhìn thấy được thì khách còn trả tiền để mua cảm xúc. Đó mới là thứ quý giá của DLNN. An Giang cũng có được những vườn cây xanh, không khí trong lành, miền quê yên ả, cũng có con người hiền hòa, mến khách, cũng có những SP DL độc đáo, hấp dẫn. Nếu biết kết hợp “tài nguyên xanh” với cách làm DL chuyên nghiệp, đáp ứng đúng nhu cầu du khách, DLNN sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn cho nông dân và địa phương” – ThS Toàn đúc kết.

“An Giang là tỉnh có lợi thế DL lớn, thu hút rất đông du khách. Mục tiêu của tỉnh là làm sao để khách lưu trú lại, có nhiều SP DL tốt để khách chi tiêu nhiều hơn. Trong đó, DLNN đang có tiềm năng lớn. Chuyến đi Tiền Giang sẽ giúp những nông dân làm DL học tập được những mô hình hay, cách làm mới để về bổ sung, sáng tạo thêm cho mô hình của mình. Đồng thời, giúp cho các cán bộ quản lý DL có cách nhìn mới, định hướng và quy hoạch DL tốt hơn”- chị Huỳnh Thị Như Lam, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến DL An Giang, chia sẻ.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN