Hội nghị Thượng đỉnh EU nhất trí được nhiều vấn đề nóng của khu vực

29/06/2018 - 19:44

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ngày 29-6 bước vào ngày họp thứ 2 tại Brussels, Bỉ.

Sau ngày họp đầu tiên căng thẳng và kéo dài, các nước đã nhất trí được nhiều vấn đề nóng của khu vực trong đó có gia hạn lệnh trừng phạt Nga, hợp tác an ninh quốc phòng. Đặc biệt vấn đề gai góc nhất trong đàm phán là di cư cũng đã nhận được thỏa hiệp sau khi Italy cảnh báo sẽ chặn việc EU ra được một tuyên bố chung tại Hội nghị.

Các nước EU đã nhất trí được nhiều vấn đề nóng của khu vực trong đó có gia hạn lệnh trừng phạt Nga, hợp tác an ninh quốc phòng. Ảnh: Trend

Vấn đề người di cư là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 28-29/6 tại Brussels. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã tuyên bố dùng tối hậu thư phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào đưa ra tại hội nghị bàn về thương mại và an ninh, trừ khi khi các nước EU còn lại đáp ứng những yêu cầu của nước này về di cư. Tuy nhiên, sau gần 10 giờ đàm phán căng thẳng các nhà lãnh đạo EU sáng sớm nay đã thống nhất đưa ra được Tuyên bố chung.

Việc đạt được thỏa thuận tại hội nghị lần này khiến các lãnh đạo EU thở phào nhẹ nhõm trước những vấn đề hóc búa có thể đe dọa tới liên minh, khu vực tự do đi lại... Tuyên bố cuối cùng được cho là có thể làm hài lòng những quốc gia có quan điểm cứng rắn về vấn đề di cư, đáp ứng nguyện vọng của Italy như việc nhất trí chia sẻ trách nhiệm đối với những người di cư được cứu trên biển, thiết lập các trung tâm kiểm soát người tị nạn chung và hạn chế sự di chuyển của người di cư bên trong khối, mọi biện pháp di dời và tái định cư đều được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các nước thành viên… Các nước cũng nhất trí thắt chặt biên giới, tăng cường hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ma Rốc và các quốc gia châu Phi để ngăn dòng người di cư đến châu Âu.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte bày tỏ hài lòng với kết quả này, đồng thời nhấn mạnh Italy đã không còn đơn độc trong việc giải quyết vấn đề người di cư. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng hoan nghênh những nỗ lực của các nước đã gạt bỏ lợi ích quốc gia để đảm bảo sự đồng thuận chung.

Ông Macron nói: “Châu Âu có thể vừa đối mặt với những thách thức trong khi vẫn phải trung thành với các giá trị, bảo vệ người dân và lợi ích quốc gia. Hôm nay chúng ta đã đưa ra được một bước đi quan trọng. Nhiều người dự đoán khó có thể đạt được thỏa thuận, nhưng cuối cùng chúng ta đã thành công trong việc tìm ra một giải pháp và hướng đi hợp tác”.

Mặc dù đạt được thỏa thuận về một trong những vấn đề quyết định “ số phận của EU”, nhưng Hội nghị lần này một lần nữa cho thấy những chia rẽ giữa các nước thành viên cũng như khó khăn nhằm thống nhất lập trường không chỉ về vấn đề di cư mà còn nhiều vấn đề quan trọng khác của khối.

Phát biểu sau cuộc họp, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận, việc các bên đạt được sự đồng thuận về vấn đề người di cư - thách thức lớn nhất hiện nay của EU - là một tín hiệu tốt, song vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thu hẹp bất đồng giữa các nước.

“Sau các cuộc thảo luận kéo dài, thật tốt khi chúng ta có thể ra được Tuyên bố chung. Nước chủ tịch Áo sẽ có nhiêù̀ việc phải làm với việc vẫn còn một số vấn đề chưa được giải quyết. Tôi lạc quan rằng chúng ta có thể tiếp tục hợp tác để giải quyết các bất đồng”, bà Merkel nói.

Bên cạnh vấn đề di cư, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng đạt được nhiều đồng thuận về các vấn đề quan trọng khác, trong đó có mối quan hệ với Nga. EU đã nhất trí gia hạn các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga vì vấn đề sáp nhập Crimea và xung đột ở miền Đông Ukraine cũng như thảo luận vấn đề Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Theo VOV