Hội nghị Thượng đỉnh G7 – Vấn đề lớn, giải pháp tối thiểu

27/08/2019 - 19:37

Từ hạt nhân Iran, cháy rừng Amazon cho tới căng thẳng thương mại đều là những vấn đề lớn được đưa ra bàn luận nhưng khó tìm được giải pháp chung tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) diễn ra ở Biarritz, Pháp ngày 24 đến 26-8.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại G7 ở Biarritz ngày 26-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Với tư cách nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lường trước những rắc rối và tuyên bố sẽ không có tuyên bố chung sau hội nghị. Đạt được một thỏa thuận trong bối cảnh nhiều chia rẽ, bất đồng như hiện nay rõ ràng là điều không thể.

Sự xuất hiện bất ngờ của Ngoại trưởng Iran


Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (thứ 2, phải, phía trước) trong cuộc hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ 3, trái) và gặp người đồng cấp Jean-Yves Le Drian (thứ 2, trái) tại Biarritz, Pháp ngày 25-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Guardian, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif bất ngờ tới Biarritz để gặp Tổng thống Macron trong bối cảnh chính sách của phương Tây với Iran là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất tại hội nghị G7 lần này.

Chiều 25-8, ông Zarif đã đăng ảnh gặp Tổng thống Pháp và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tại văn phòng Thị trưởng Biarritz lên Twitter với câu nói: “Con đường phía trước khó khăn. Nhưng đáng để cố gắng”.

Một nhà ngoại giao cấp cao Pháp cho biết ông Zarif được mời tới Biarritz theo sáng kiến ngoại giao của Tổng thống Macron nhằm làm giảm căng thẳng ở Vùng Vịnh và khôi phục quan hệ ngoại giao với Iran. Nhà ngoại giao này cho biết Pháp đã cố gắng trong vài tháng qua để giảm căng thẳng và tạo khoảng dừng cho đàm phán. Tuy nhiên, Pháp không phải là bên hòa giải cho Mỹ và tại giai đoạn này, Paris không có ý định kết nối Iran và Mỹ. Sự có mặt của ông Zarif đã được thông báo cho các nhà lãnh đạo G7.

Ngày 25-7, Tổng thống Macron đã đề xuất một kế hoạch tại hội nghị để giảm căng thẳng gia tăng ở Vùng Vịnh. Theo đó, Mỹ sẽ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận dầu mỏ áp đặt với Iran để đổi lại Tehran trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Ông Macron cho biết các lãnh đạo G7 đã nhất trí thông điệp chung với Iran: “Chúng tôi đều nhất trí hai điều rất rõ ràng: Chúng tôi không muốn Iran có bom hạt nhân và chúng tôi không muốn leo thang, bất ổn trong khu vực”.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump không cam kết với đề xuất và nói mỗi quốc gia sẽ làm cách riêng. Giới chức Mỹ cho rằng chính sách sức ép tối đa của Mỹ với Iran đang có tác dụng và được quốc tế ủng hộ.

Theo tờ Time, lời mời bất ngờ dành cho Ngoại trưởng Iran là một canh bạc rủi ro cao với ông Macron – người đi đầu trong tìm cách giảm căng thẳng với Iran. Ông lo sợ thỏa thuận hạt nhân sụp đổ có thể khiến Trung Đông “bốc cháy”. 

Bình luận của Tổng thống Macron và Trump ở Biarritz cho thấy dù châu Âu và Mỹ có thể có chung mục đích về Iran nhưng họ khác biệt sâu sắc trong cách đạt mục tiêu.

Khoản tiền cứu rừng Amazon


Khói bốc lên từ đám cháy rừng Amazon ở bang Rondonia, Brazil ngày 24-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong khi rừng Amazon ở Nam Mỹ cháy dữ dội. Các lãnh đạo G7 đã cam kết chi tiền để cứu rừng nhiệt đới Amazon. Tuy nhiên, số tiền quá nhỏ nhoi khiến họ bị các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích nặng nề.

Tờ Quazt đã làm một phép so sánh: Chưa đầy 24 giờ sau khi Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp bị cháy hồi tháng 4, những nhà hảo tâm đã cam kết chi 945 triệu USD để phục dựng nhà thờ. Vậy nhưng, sau hàng tuần liền chứng kiến hàng chục nghìn đám cháy lớn nhỏ tàn phá rừng nhiệt đới Amazon với tốc độ kỷ lục, 7 nước công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới chỉ xoay sở thống nhất được 22 triệu USD để cứu rừng. 

Ông Christian Poirier, Giám đốc chương trình Theo dõi Amazon, nhận định: “Tôi cho rằng đây không phải là một phản ứng phù hợp với quy mô cuộc khủng hoảng”. Theo ông Poirier, số tiền này không thấm vào đâu so với nỗ lực dập lửa và tái trồng rừng. Theo các con số ước tính trước đây, cần tới hàng trăm triệu USD mỗi năm để chấm dứt tình trạng phá rừng Amazon. Hành vi phá rừng, đốt rừng để lấy đất canh tác đã gây ra vô số vụ cháy ở Amazon.

Hiện chưa rõ số tiền 22 triệu USD sẽ được chuyển tới Brazil ra sao khi mà Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro coi sự hỗ trợ quốc tế là tấn công chủ quyền nước này. Ông Onyx Lorenzoni, Chánh văn phòng nội các của Tổng thống Brazil nói: “Chúng tôi trân trọng đề nghị giúp đỡ nhưng có lẽ những nguồn lực này nên dùng để tái trồng rừng châu Âu thì hơn”. Brazil đã khéo từ chối khoản tiền hỗ trợ nói trên.

Tổng thống Pháp Macron thông báo quyết định chi khoản tiền trên để dập cháy rừng Amazon trong cuộc họp về khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7. Dù Mỹ có cam kết chi tiền nhưng Tổng thống Trump không tham gia cuộc họp này.

Trong hội nghị G7 năm nay, Tổng thống Macron là ngọn cờ đi đầu trong chống biến đổi khí hậu. Ông đã tìm cách xoay trọng tâm hội nghị vào vấn đề biến đổi khí hậu nhưng các lãnh đạo G7 hầu như không có mấy tiến triển trên mặt trận này. Mỹ không hỗ trợ gì nỗ lực đó. Theo tờ New York Times, thậm chí, các quan chức Mỹ cấp cao còn lo ngại rằng ông Macron đang cố ý khiến Mỹ xấu hổ khi chọn chủ đề biến đổi khí hậu và bình đẳng giới.

Nga, Trung Quốc: Nhân tố ngoài G7


Các nhà lãnh đạo G7 cùng đại diện Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh ở Biarritz ngày 25-8/. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài hai vấn đề hạt nhân Iran và biến đổi khí hậu, vấn đề liên quan tới Nga và Trung Quốc cũng đáng chú ý tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này.

G7 từng là G8 trước khi Nga bị đẩy ra khỏi nhóm sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Tại bữa tối với các nhà lãnh đạo G7 ngày 24-8, Tổng thống Trump đã rất căng thẳng với những người còn lại khi họ không đồng ý đề xuất của ông về giải quyết vấn đề liên quan Nga. Trước Hội nghị G7, ông Trump đã từng đề xuất mời Nga trở lại diễn đàn này. Trong bữa tối đó, ông cũng khẳng định quan điểm Nga là một cường quốc cần được đưa vào trong các cuộc thảo luận. Ông Trump nói: “Chúng ta có một số người muốn thấy Nga trở lại. Tôi cho rằng điều đó có lợi cho nhiều điều trên thế giới. Tôi cho rằng điều đó sẽ tích cực”.

Các nhà phân tích nhận định bình luận này là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump có thể mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2020 khi Mỹ là nước chủ nhà.

Trái với suy nghĩ của Tổng thống Mỹ, những lãnh đạo khác cho rằng G7 không phải là định dạng diễn đàn phù hợp để thêm Nga vào. 

Xem video các lãnh đạo G7 và phu nhân cùng khách mời chụp ảnh chung (nguồn: VOA):

Suy nghĩ khác biệt giữa Mỹ và các nước còn lại còn thể hiện trong phiên họp ngày 26-8 về thương mại. Khi đó, Tổng thống Trump thể hiện mong muốn tiếp tục chống lại Trung Quốc bằng các biện pháp thuế quan, còn những người khác cho rằng cần có cách tiếp cận đa phương. Các lãnh đạo châu Âu đã gây sức ép để Tổng thống Trump ngừng cuộc chiến tranh thương mại hiện nay với Trung Quốc.

Không chỉ với Trung Quốc, Tổng thống Trump còn cảnh báo chiến tranh thương mại với cả Pháp và Liên minh châu Âu. Đáp lại, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói thẳng: “Nói chung chúng tôi không thích thuế quan. Chúng tôi thích hòa bình thương mại”. Còn Tổng thống Pháp Macron khẳng định căng thẳng thương mại là điều xấu với tất cả. 

Tóm lại, Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã kết thúc sau ba ngày mà hầu như không gặt hái được kết quả cụ thể đáng kể nào do còn quá nhiều khác biệt giữa Mỹ và các đồng minh. Bất đồng giữa Mỹ và đồng minh lớn tới mức thậm chí một nhà bình luận trên tờ Guardian còn đề xuất G7 nên tạm dừng họp cho tới khi Tổng thống Trump ra đi thì mới mong đạt được đồng thuận về một vấn đề gì đó.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin tức)