Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam 2017

17/04/2018 - 20:04

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam và chương trình công tác năm 2018, từ ngày 15 đến 17-4, tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động công tác Hội năm 2017, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2018.

Đoàn Chủ tịch hội nghị. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện và là diễn đàn tin cậy của nhân dân 

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và sự đóng góp quan trọng của báo chí, của Hội Nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng; quan tâm tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn đội ngũ những người làm báo không ngừng phấn đấu rèn luyện để hoàn thành tốt sự mệnh vẻ vang và cao cả của mình. 

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khẳng định báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Báo chí cũng tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình, những thành tựu của công cuộc đổi mới, kiến nghị, đề xuất được nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, sai trái, tiêu cực, quan liêu; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 

Hội Nhà báo Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc chỉ đạo, quản lý báo chí, góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội; có nhiều cố gắng trong công tác tập hợp lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện 10 điều quy định đạo đức người làm báo, thành lập 247 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương đến các địa phương, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có nhiều biện pháp bảo vệ mạnh mẽ việc hành nghề theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nhà báo.

Đặc biệt Hội Nhà báo Việt Nam đưa vào sử dụng ứng dụng theo dõi việc gỡ, sửa bài trên các báo điện tử góp phần quản lý báo chí hiệu quả, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” của các cơ quan báo chí. Tất cả những điều đó đã tạo chuyển biến mới trong hoạt động của Hội Nhà báo, góp phần tích cực chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động báo chí, khích lệ tinh thần cống hiến của các nhà báo vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân. 


Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Bên cạnh những ưu điểm và thành tích đã đạt được, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng cho rằng hoạt động báo chí và Hội Nhà báo vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là một số cơ quan báo chí thông tin không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ; thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, thậm chí thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Vẫn còn tình trạng hội viên, nhà báo vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nội dung, phương thức, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của một số cấp hội chưa cao vì vậy chưa tạo được sức hút, hấp dẫn người làm báo tham gia các hoạt động của Hội Nhà báo. Một bộ phận người cầm bút kiến thức còn mỏng, thậm chí không theo kịp sự phát triển mặt bằng kiến thức của xã hội nên vẫn còn có những bài báo không mang được tính định hướng, dẫn dắt dư luận mà đôi khi có tác dụng không tốt. 

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị các cơ quan báo chí chủ động đổi mới để không ngừng phát triển; mong rằng trong thời gian tới Hội Nhà báo sẽ tiếp tục hướng dẫn, khích lệ, tổ chức cho các chi hội, liên chi hội, cho hội viên và những người cầm bút làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ; tập trung giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, nêu cao tinh thần các mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí tiếp tục tập trung tuyên truyền kết quả thực hiện các Nghị quyết; tích cực lắng nghe từ cơ sở, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, đúc kết kinh nghiệm tốt, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc và âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch...

Hội Nhà báo Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của những người làm báo, không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, động viên, cỗ vũ người làm báo hoàn thành trọng trách của mình; chú trọng chăm lo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ làm báo có tính chiến đấu, có phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng học tập, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức các mạng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, cập nhật công nghệ làm báo hiện đại để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí thấm đẩm tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tính nhân văn. Các nhà báo phải thực sự là những người có ảnh hưởng xã hội và tác động lớn đến việc dẫn dắt dư luận xã hội. 

Tiếp tục thực hiện tốt Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam 

Ông Thuận Hữu, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định năm 2017 Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2018 các cấp Hội tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt Luật Báo chí năm 2016, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, chủ động đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội và đội ngũ làm báo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. 


Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Ông Thuận Hữu đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo từ thực tiễn công tác của mình với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng, tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề. Đó là đánh giá một cách khách quan, thực chất kết quả đạt được, xác định những tồn tại, hạn chế, xác định rõ các nguyên nhân, để từ đó đề ra những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo; xác định những khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động báo chí, hoạt động Hội Nhà báo hiện nay, nhất là Hội nhà báo địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; thảo luận, đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác... 

Báo cáo kết quả công tác Hội năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018 và tình hình, kết quả nửa nhiệm kỳ (2015-2020) thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam có 287 đơn vị cấp Hội trực thuộc Trung ương Hội.

Năm 2015 (đầu nhiệm kỳ), cả nước có 840 cơ quan báo chí với đủ bốn loại hình. Đến năm 2017 riêng báo, tạp chí in đã là 849 (185 tờ báo, 664 tạp chí); có 195 báo điện tử chuyên biệt và 178 trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí in, cơ quan phát thanh truyền hình; 67 đài phát thanh-truyền hình của Trung ương và địa phương với 281 kênh truyền hình được cấp phép.

Năm 2017, doanh thu qua hoạt động báo chí đạt 13.000 tỷ đồng, số người làm việc trong lĩnh vực báo chí tăng nhanh, số nhà báo có thẻ gần 20.000 người. 

Năm 2017 là năm đầu tiên các cấp Hội triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.

Hoạt động Hội có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò, hiệu quả của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của người làm báo và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội. Đây cũng là năm đánh dấu số lượng hội viên gia nhập Hội cao nhất từ trước đến nay với 3.189 hội viên.

Trong năm cũng đã thành lập mới 12 Chi hội, tiến hành xóa tên 366 hội viên, khai trừ ba trường hợp; đã thống nhất chủ trương chuyển sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú các cơ quan báo chí Trung ương về Hội Nhà báo địa phương và đã ban hành Quyết định về vấn đề này nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện, đội ngũ phóng viên thường trú tại địa phương. 


Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi phát biểu. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết chủ đề hoạt động của năm 2018 được các cấp Hội Nhà báo xác định là nghiêm túc thực hiện tốt Luật Báo chí 2016, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Nghị quyết Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam.

Các cấp Hội tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37-CT/TƯ ngày 18-3-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng gắn với việc rà soát chất lượng hoạt động của tổ chức Hội; tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ người làm báo.

Các cấp Hội tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; chăm lo xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng. 

Cùng với đó Hội tăng cường công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp Hội, có cơ chế đặc thù để thu hút cán bộ có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, quản lý vào làm công tác Hội. Hội đẩy mạnh hơn nữa công tác rà soát bộ máy tổ chức Hội, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hội viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. 

Để giải thưởng báo chí ngày càng lan tỏa và thuyết phục 

Tại hội nghị các đại biểu cũng đã nghe nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản, quản lý báo chí.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), cho biết Liên Chi hội Nhà báo TTXVN có 20 chi hội với gần 1.000 hội viên làm việc trong các loại hình thông tin khác nhau. Có thể nói tổ chức này có số lượng Chi hội và hội viên đông nhất trong số 19 Liên Chi hội trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Để không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, giữ vững vai trò chủ đạo trong việc cung cấp thông tin mang tính chính thống của cơ quan thông tấn nhà nước, TTXVN xác định phải xây dựng một đội ngũ phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí đa phương tiện, có tình yêu nghề sâu sắc. Do đó, Liên Chi hội Nhà báo TTXVN luôn đặt vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị tư tưởng, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ lên hàng đầu, không ngừng đổi mới về nội dung và hình thức đào tạo.


Từ trái sáng: Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tham dự hội nghị. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Hàng năm, Liên Chi hội chủ động cùng các chi hội cơ sở tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo chuyên đề về từng vấn đề cụ thể liên quan tới công tác thông tin, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, cập nhật các vấn đề mới... với sự tham dự của hàng trăm lượt hội viên, trong đó chú trọng đến các nhà báo trẻ. Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên còn được thực hiện thông qua “kênh” mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các hãng thông tấn trên thế giới dưới nhiều hình thức. 

Nhà báo Nguyễn Thu Hà đề nghị cần xóa bỏ mức trần bất hợp lý hiện nay đối với các Liên chi hội có số lượng hội viên đông đảo, nên quy định số lượng tác phẩm theo tỷ lệ hội viên của từng chi hội. Việc quy định mỗi tác giả chỉ được đứng tên một tác phẩm dự thi là bất cập và không phù hợp vì theo cách thức sản xuất nội dung phóng sự hiện nay, mỗi tác phẩm dù là báo in hay báo điện tử thường là một nhóm thực hiện. Một số tờ báo chỉ có một phóng viên ảnh hay một quay phim thì sản phẩm nào cũng có tham gia. Như vậy sự trùng lặp tác giả trong nhiều tác phẩm là điều bình thường.

Ngay cả với phóng viên viết, việc hạn chế chỉ được gửi một tác phẩm là không nên vì có thể bỏ lọt nhiều tác phẩm chất lượng cao. Mặt khác, nên quy định mỗi tác giả được đứng tên tối đa trong ba tác phẩm đối với báo in, báo điện tử.

Nhiều tuyến bài phóng sự công phu kéo dài nhiều kỳ nhưng lâu nay qui định là mỗi chùm bài dự thi chỉ gồm không quá năm tác phẩm. Trong những giải báo chí gần đây, Ban Tổ chức đã cho phép gửi cao hơn số lượng này và những bài khác có thể mang tính chất tham khảo. Đây cũng là quy định cởi mở hơn nhưng như vậy cũng vẫn chưa hoàn toàn phù hợp. Đương nhiên cũng không nên khuyến khích những tuyến bài có tới hàng chục bài viết, nhưng nhiều phóng sự hiện nay đều có khá nhiều bài, nâng số lượng bài trong một chùm lên 10 bài.

Việc yêu cầu phóng viên gửi tác phẩm tham dự giải báo chí quốc gia phải có thẻ phóng viên cũng là điều bất cập vì hiện nay, nhiều phóng viên mới vào nghề, tuy chưa được cấp thẻ báo chí nhưng làm việc rất tốt, có những bài viết hay, đáng được đưa gửi dự thi giải báo chí. Nhưng vì yêu cầu này, nên họ không được tham dự giải hoặc phải đứng chung tên với người có thẻ nhà báo dẫn đến việc không minh bạch và thiệt thòi cho cá nhân tác giả đó, vì vậy cần thay đổi quy định này, ví dụ chỉ cần xác nhận là phóng viên, biên tập viên của tòa báo. 

Nhà báo Trần Duy Ngoãn - Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An - đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần quan tâm xem xét nâng mức đầu tư cho tác phẩm báo chí giai đoạn tiếp theo, vì như hiện nay quá ít, rất khó khăn cho công tác triển khai thực hiện, nhất là các Hội có số lượng Hội viên và cơ quan báo chí đông. Mức hỗ trợ hiện nay quá thấp, trong khi đó để có tác phẩm báo chí chất lượng cao rất khó khăn và qua nhiều cung đoạn.

Lâu nay, việc in ấn phát hành quảng bá tác phẩm báo chí chất lượng cao Hội Nhà báo Việt Nam cũng như một số địa phương thường mới dừng lại ở thể loại báo in, còn truyền hình, phát thanh, chưa được in quảng bá, nhất là để cơ sở dùng làm tài liệu tham khảo học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho Nhà báo Hội viên. Vì vậy cần quan tâm đầu tư quảng bá, giới thiệu tác phẩm báo phát thanh, truyền hình, trên Cổng tông tin điện tử của Hội Nhà báo Việt Nam để các cấp hội và nhà báo có điều kiện nghiên cứu học tập, chia sẻ. 

Tham luận của phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng để công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo được đa dạng và hiệu quả, các cơ quan báo chí, các hội nhà báo các tỉnh thành và các liên chi hội cần trao đổi kinh nghiệm thường xuyên; xây dựng các bộ tài liệu nghiệp vụ và phổ biến tài liệu này đến từng tờ báo, bao gồm việc giới thiệu kinh nghiệm quản lý báo chí, hướng dẫn kỹ năng, đối chiếu các phát kiến, sáng kiến nhằm bổ trợ cho việc tự học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ... 

Nhân dịp này Hội Nhà báo Việt Nam đã khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong công tác thi đua, khen thưởng năm 2017.


Trao cờ thi đua của Hội Nhà báo Việt Nam cho 9 tập thể xuất sắc. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Theo TTXVN