Hơn 67.000ha có khả năng bị hạn hán, xâm nhập mặn nếu không có mưa

26/03/2019 - 15:43

Tại các khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tổng diện tích có khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới nếu tiếp tục không có mưa là 67.160ha.


Mới giữa mùa khô nhưng các hồ chứa nước trên địa bàn xã Ea Rốk, huyện Ea Súp đã cạn dần trơ đáy. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tại các khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tổng diện tích có khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới nếu tiếp tục không có mưa là 67.160ha.

Hiện diện tích cây trồng vụ Đông Xuân vùng Bắc Trung bộ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn là 161ha thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tuy nhiên, diện tích có khả năng bị ảnh hưởng của hạn hán thời gian tới khoảng từ 19.500-28.000 ha tại lưu vực sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An-Hà Tĩnh), sông Gianh-Nhật Lệ, sông Thạch Hãn, sông Hương.

Tây Nguyên đang có trên 3.000ha bị thiếu nước; trong đó có khoảng 220ha nguy cơ giảm năng suất hoặc mất trắng.

Theo nhận định diễn biến thời tiết từ nay đến hết vụ Đông Xuân 2018-2019, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước ở thời gian cuối mùa khô với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 37.000ha, xảy ra chủ yếu tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai…

Tại khu vực Đông Nam Bộ, vụ Đông Xuân 2018-2019 xảy ra thiếu nước cục bộ cho gần 6.000ha, tại Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Trong thời gian tới, với dự báo ít mưa trong tháng Tư và một số khu vực đã trải qua giai đoạn từ 1,5-2 tháng không mưa, nguy cơ thiếu nước cục bộ vào cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu 2019 cho khoảng 1.160ha thuộc khu tưới của các hệ thống thủy lợi và cho khoảng 8.000-10.000ha vùng ngoài công trình thủy lợi thuộc các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai.

Xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp do lúa đang trong giai đoạn thu hoạch, không có nhu cầu lấy nước vào ruộng.

Những chiếc cống phục vụ tưới, tiêu nước trên địa bàn huyện Ea Súp giờ nằm trơ trọi trong nắng gió và khô hạn. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Hiện dung tích dự trữ các hồ chứa thủy lợi ở Bắc Trung bộ đạt 50-80% dung tích thiết kế; Tây Nguyên đạt 47-63%, Đông Nam bộ đạt 28-74%.

Riêng khu vực Đông Nam bộ, một số hồ có dung tích trữ thấp dưới 50% dung tích thiết kế như hồ Đá Bàng, hồ Sông Ray, hồ Tầm Bó, hồ Suối Giàu thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; hồ Suối Vọng, hồ Đa Tôn, hồ Gia Ui, hồ Cầu Mới Tuyến V thuộc tỉnh Đồng Nai; hồ Bù Môn đang xả nước để nạo vét, hồ Suối Ông, hồ Tà Thiết thuộc tỉnh Bình Phước.

Mới đây, Tổng cục Thủy lợi đã làm việc với Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, Công ty Cổ phần Thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi và các đơn vị có liên quan về việc thống nhất kế hoạch điều tiết nước hồ chứa thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi phục vụ cho thủy lợi, phòng chống hạn hán, thiếu nước.

Tổng cục đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, triển khai kịp thời các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn tập trung ở Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đơn vị tiếp tục thực hiện giám sát chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi; dự báo tình hình nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước phục vụ chỉ đạo điều hành cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh./.

Theo BÍCH HỒNG (TTXVN/Vietnam+)