Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao với Úc

13/04/2018 - 06:53

 - Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp (NN) thế mạnh, việc phát triển cây dược liệu quý, sản xuất (SX) bột gấc hữu cơ, thực phẩm chức năng là hướng đi mới nhằm đột phá vào thị trường có giá trị hàng trăm tỷ USD của thế giới. Nếu tận dụng tốt thời cơ, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mở ra thị trường nhiều triển vọng cho NN An Giang.

Không quên nhu cầu nội địa

Có thời gian học tập và nghiên cứu nhiều năm ở Úc, TS Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn (Trường Đại học (ĐH) An Giang) cho rằng, SXNN ở xứ sở “chuột túi” có nhiều điều hay NN An Giang cần tham khảo.

“Cả nước Úc có khoảng 800 nông dân (ND) trồng lúa, chỉ sử dụng 8 giống lúa để tạo ra 1 triệu tấn gạo/năm, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó 8 ND là thành viên của Tập đoàn SunRice (tập đoàn kinh doanh gạo lớn nhất nước Úc) sở hữu từ vài trăm đến vài ngàn ha đất/người.

ND chia đất thành nhiều khu, chỉ trồng lúa trên 1 khu và nuôi gia súc trên các khu còn lại để tạo phân hữu cơ tự nhiên. Cứ thế, luân phiên canh tác trên từng khu đất mà không cần phun thuốc, bón phân hóa học.

Đối với những ND không phải là thành viên của Tập đoàn SunRice, họ tự canh tác lúa, đầu tư nhà máy xay xát nhỏ, cung ứng gạo sạch tại chỗ cho người dân địa phương” - TS Kiền thông tin.

Bài học rút ra cho An Giang là bên cạnh liên kết SX lớn phục vụ xuất khẩu, tỉnh cần khuyến khích ND, hợp tác xã (HTX) xây dựng thương hiệu gạo sạch, gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường nội địa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi (thứ 2, bên trái) và Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Anh Thư (bìa trái) trao đổi với các chuyên gia Úc

Qua hợp tác nghiên cứu cùng các giáo sư của Trường ĐH Quốc gia Úc, TS Kiền đúc kết: “ND ĐBSCL phần đông sở hữu ít đất ruộng nên chỉ tập trung tăng năng suất. Tuy nhiên, khi trồng lúa càng nhiều thì lợi nhuận/kg lúa càng thấp. ND rơi vào “bẫy lúa”, thu nhập không tăng bao nhiêu nhưng tác động do phân, thuốc hóa học đến môi trường rất lớn, còn đất đai thì bị khai thác cạn kiệt”.

Theo TS Kiền, thay vì cứ chú trọng vào năng suất, sản lượng, cần khuyến khích ND SX lúa an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường, gắn với doanh nghiệp.

“An Giang có thể hợp tác với Hiệp hội NN hữu cơ Việt Nam (thành viên Liên đoàn NN hữu cơ thế giới) để cấp chứng nhận hữu cơ cho ND, HTX, giúp họ xây dựng thương hiệu nông sản phục vụ nội địa. Đây là mô hình được các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… áp dụng, tiết kiệm hơn rất nhiều so với cấp chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế” - TS Kiền gợi ý.

Nhiều cơ hội mới

Là một chuyên gia có nhiều nghiên cứu về kinh tế Việt Nam, GS Scott Murray, Trường ĐH Canberra (Úc) cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký trước đây, tuy mở ra nhiều cơ hội về hợp tác kinh tế nhưng cũng mang đến nhiều bất lợi. Với việc tham gia CPTTP, Việt Nam có cơ hội rất lớn nếu tập trung đúng hướng vào NN ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).

“Việt Nam có thể đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị chăn nuôi, rau quả, lúa gạo với các nước tham gia CPTPP. Ví dụ như Việt Nam có thể nhập bò giá rẻ từ Úc để phân phối sang các nước khác, đồng thời xuất khẩu rau, củ, quả sang Úc. Với những ưu đãi về thuế quan, thịt bò và các mặt hàng nông sản từ Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với Trung Quốc” - GS Scott nhấn mạnh.

Đối với An Giang, bên cạnh lợi thế nông sản, tỉnh còn có cơ hội phát triển ngành thực phẩm chức năng (TPCN) và dược liệu quý. “Trên thế giới hiện nay, ngành TPCN đạt giá trị gần 300 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng 6%/năm. Đây là lĩnh vực rất hấp dẫn mà An Giang cần quan tâm” - TS Võ Tất Thắng (Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) gợi ý.

Với ưu thế vùng Bảy Núi, An Giang đứng trước cơ hội phát triển cây dược liệu quý, đầu tư vùng trồng gấc nguyên liệu và SX bột gấc hữu cơ theo phương pháp chế biến tiên tiến. Thành phần của trái gấc được chứng minh là có lợi cho sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch, chống ung thư nên có giá trị khai thác rất lớn.

Mới đây, Sở NN&PTNT đã ký kết ghi nhớ MOU với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Úc, tạo cơ hội kết nối, đưa hàng hóa nông sản An Giang vào thị trường khó tính này.

“An Giang có lợi thế rất lớn về NN nhưng khai thác chưa tương xứng với tiềm năng. Tỉnh đã theo đuổi nhiều chương trình, thực hiện nhiều chính sách cho NNƯDCNC, tuy có ý nghĩa rất lớn nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc tăng cường hợp tác với Úc sẽ mở ra nhiều cơ hội cho NN An Giang. UBND tỉnh sẽ hỗ trợ tích cực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bản ghi nhớ MOU được triển khai có hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Quang Thi khẳng định.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN