Hợp tác tiêu thụ lúa, gạo

27/09/2019 - 06:46

 - Bằng nỗ lực của doanh nghiệp (DN), ngân hàng, các cơ quan quản lý nhà nước, kỳ vọng thời gian tới, thị trường lúa, gạo của An Giang sẽ có kênh tiêu thụ ổn định hơn. Trong đó vai trò của hợp tác xã, chuỗi liên kết sản xuất là rất quan trọng.

Ký kết Chương trình hợp tác liên ngành công thương - nông nghiệp - ngân hàng trong tiêu thụ lúa, gạo tỉnh An Giang giai đoạn 2019-2020

“Bỏ quên” thị trường

Liên tục vụ đông xuân rồi hè thu vừa qua, giá lúa duy trì ở mức thấp khiến nông dân không khỏi lo lắng. “Giá phân, thuốc, dịch vụ đầu vào tăng nhưng giá lúa lại giảm. So vụ hè thu trước, mỗi tấn lúa vụ này bán thấp hơn 1 triệu đồng (giảm bình quân 1.000 đồng/kg). Đối với nông dân có đất nhà, coi như lấy công làm lời, còn dân thuê đất thì cầm chắc lỗ”- ông Trần Văn Đán (nông dân xã Vọng Thê, Thoại Sơn) than thở.

Nguyên nhân giá lúa giảm chủ yếu do sản lượng nhiều nhưng thương lái, DN không đẩy mạnh “ăn” hàng khi vào chính vụ. Nguyên nhân DN chậm thu mua lại không phải do thiếu vốn (phần lớn ngân hàng đều báo thừa vốn cho vay tiêu thụ lúa, gạo), mà là do không ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu. “Dù ngân hàng có cho vay ưu đãi nhưng DN vẫn không dám “ôm” hàng bởi lượng tồn kho lớn mà không bán được, gánh nặng trả lãi rất lớn”- giám đốc một DN lương thực ở quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) thừa nhận.

Theo các chuyên gia kinh tế, đa phần DN lương thực ở ĐBSCL vẫn đang loay hoay với một số thị trường truyền thống như: Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Châu Phi… nhưng cách làm ăn lại thông qua đơn vị trung gian. Nghĩa là gạo Việt Nam nhưng do DN ở nước khác dán nhãn, phân phối. Một khi những thị trường này thay đổi chính sách hoặc đối tác “làm khó” là DN dễ bị động.

Do vậy, việc chủ động tìm kiếm thị trường bền vững rồi đặt hàng nông dân sản xuất thông qua hợp tác xã (HTX) là hướng đi cần thiết. Trong đó, cộng đồng Hồi giáo với khoảng 1,8 tỷ người (chiếm 25% dân số thế giới) là thị trường tiềm năng mà lâu nay nhiều DN trong nước chưa thật sự quan tâm. “Người Hồi giáo sẵn sàng chi tiêu cao cho lương thực, thực phẩm nhưng phải là những sản phẩm đạt chứng nhận. Lấy ví dụ như cùng 1 sản phẩm trên kệ siêu thị nhưng giá bán khác nhau, họ có thể cân nhắc, so sánh giá nhưng nếu trong số nhiều sản phẩm, chỉ có 1 sản phẩm đạt chứng nhận Halal thì dù giá có cao hơn, người theo đạo Hồi vẫn chọn mua”- bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng (đại diện Văn phòng chứng nhận Halal, Halal Certification Agency - HCA) chia sẻ.

Tăng cường liên kết

HCA được biết đến là tổ chức duy nhất của Việt Nam được công nhận bởi các tổ chức uy tín trong cộng đồng Hồi giáo như: JAKIM, MUI, MUIS, CICOT, GAC… Đây cũng là thành viên của World Halal Food Council, được Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam cho phép hoạt động chứng nhận Halal. Đến nay, đã có gần 500 DN đã được HCA cấp chứng nhận Halal (chủ yếu là thực phẩm). Tuy nhiên, đối với các DN lương thực, thực phẩm ở ĐBSCL, mức độ tham gia chưa nhiều. Theo bà Hằng, dù sẵn sàng chi trả chi phí cao để mua các sản phẩm, dịch vụ Halal nhưng đối với các quốc gia có đông đạo Hồi lại không có nhiều rào cản kỹ thuật, thuế quan cũng ưu đãi (từ 0-5%). “Thị trường Hồi giáo có sức mua lớn và nhu cầu trao đổi với các sản phẩm Việt Nam (nông sản và thủy sản). Tuy nhiên, cần phải am hiểu tập quán và văn hóa của người Hồi giáo để tạo ra các sản phẩm phù hợp”- bà Hằng nhấn mạnh.

Đại diện HCA cho biết, chứng nhận Halal là chương trình đánh giá để xác nhận rằng, những sản phẩm, dịch vụ cụ thể đó không sử dụng các thành phần Haram (chất cấm), điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal. “Chứng nhận Halal như một tiêu chuẩn đảm bảo an toàn để người Hồi giáo yên tâm sử dụng. Các DN có thể liên hệ Văn phòng chứng nhận Halal để được tư vấn, hướng dẫn điều kiện cấp chứng nhận Halal, tạo điều kiện xâm nhập bền vững vào thị trường Hồi giáo” - bà Hằng thông tin.

Cùng với yếu tố thị trường mới, để tiêu thụ lúa, gạo bền vững, DN cần chủ động liên kết với nông dân, bản thân nông dân nên tham gia vào HTX kiểu mới để làm ăn với DN. “Xây dựng “Cánh đồng lớn” càng nhiều càng tốt bởi thông qua liên kết, DN chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng, nông dân yên tâm sản xuất. Nghị định 98 của Chính phủ có nhiều ưu đãi cho mô hình liên kết, UBND tỉnh chuẩn bị có hướng dẫn để triển khai”- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.

Việc liên kết tiêu thụ lúa, gạo là yêu cầu cấp bách bởi sản lượng lương thực của An Giang những năm tới vẫn rất lớn, khoảng 4 triệu tấn/năm. Mới đây, Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng đã cùng ký kết Chương trình hợp tác liên ngành công thương - nông nghiệp - ngân hàng trong tiêu thụ lúa, gạo tỉnh An Giang giai đoạn 2019-2020. Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, sắp tới đây, chương trình sẽ có sự tham gia của Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang cùng Hội Nông dân tỉnh. “Kỳ vọng, những hoạt động liên kết, hợp tác sẽ giúp kéo giá lúa vụ thu đông 2019 sắp tới và những vụ tiếp theo” - ông Lâm chia sẻ.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN