Hợp tác TP. Vaxjo quản lý nước bền vững

14/11/2019 - 07:33

 - Việc hợp tác nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng TP. Long Xuyên trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp bậc nhất ĐBSCL. Muốn vậy, phải nâng cao ý thức đến từng hộ dân, kể cả người tạm trú.

Nỗi lo ô nhiễm

Từ lâu, hình ảnh dòng nước đen xì, bốc mùi hôi ở những con rạch ô nhiễm nặng như: Ông Mạnh, Bà Bầu, Cái Sơn đã không còn xa lạ với người dân TP. Long Xuyên. Dù vậy, kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước nơi đây vẫn khiến nhiều người “giật mình”. Trong khuôn khổ “Dự án hợp tác Vaxjo - An Giang về quản lý nước bền vững” giai đoạn 2019-2021, từ tháng 6-2019, TS Nguyễn Trần Thiện Khánh (Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Đào tạo sau đại học - Trường Đại học An Giang) đã tiến hành lấy mẫu nước và bùn ở rạch Ông Mạnh, Bà Bầu và Cái Sơn (mỗi con rạch lấy 2 mẫu nước và 2 mẫu bùn).

Thảo luận xây dựng khung kế hoạch quản lý nước cho TP. Long Xuyên

Cảm quan bằng mắt thường đã thấy mẫu nước đục, màu đen hoặc nâu, có cặn và mùi hôi khó chịu. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, nước ở rạch có tính chất “giống như nước thải sinh hoạt ở mức loãng hơn”. Thậm chí, so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt (QCVN 14:2008/BTNMT), hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng (TSS), các thông số nhu cầu ô-xy sinh học (BOD5), tổng Coliform cao, hàm lượng Phosphate đều vượt ngưỡng so giá trị tối đa cho phép. Còn khi so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08-MT:2015/BTNMT) thì các thông số như: ô-xy hòa tan trong nước (DO), TSS, BOD5, nhu cầu ô-xy hóa học (COD), hàm lượng Nitrate, Ammonium, Coliform, Phosphate đều vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Riêng tại rạch Cái Sơn, hàm lượng Coliform ở 2 điểm lấy mẫu từ 7,5-9,3 triệu MPN/100ml, trong khi ngưỡng giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT chỉ 10.000 MPN/100ml. “Kết quả tính chỉ số lượng nước (WQI) cho thấy, chất lượng nước được đánh giá ở mức ô nhiễm nặng, không thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt, tưới tiêu và giao thông thủy. Màu đen, mùi hôi thối gây mất mỹ quan. Việc cải tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là rất cần thiết” - TS Khánh nhận xét.

Đối với bùn đáy ở rạch Ông Mạnh, Bà Bầu và Cái Sơn, về cảm quan thì bùn có màu đen, mùi hôi nồng nặc, khó chịu. Kết quả phân tích phát hiện có các kim loại nặng như: Crom, Cadimi, Asen nhưng nằm trong giá trị giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng trầm tích (QCVN 43-2017/BTNMT). Đồng thời, không phát hiện kim loại nặng thủy ngân. “Bùn giàu hàm lượng chất hữu cơ, hàm lượng đạm, lân cao, có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, cần có biện pháp xử lý phù hợp” - TS Khánh phân tích.

Hướng mở cho Long Xuyên

Cũng trong khuôn khổ “Dự án hợp tác Vaxjo - An Giang về quản lý nước bền vững” giai đoạn 2019-2021, bà Võ Hứa Huyền Trâm (Ban Quản lý Dự án hợp tác An Giang - Thụy Điển) đã tiến hành phỏng vấn 60 người dân ở rạch Ông Mạnh, Bà Bầu và Cái Sơn (20 người/rạch). Để kết quả khách quan, thành phần phỏng vấn khá đa dạng, gồm nhiều nhóm đối tượng (nam, nữ), nhiều nhóm tuổi, cả người thường trú và ở trọ (tạm trú). Kết quả cho thấy, chỉ có 2 người sử dụng nước dưới kênh để tưới cây kiểng, giặt giẻ lau (đợi nước lớn, giảm ô nhiễm). Nguyên nhân ô nhiễm phần nào được lý giải khi chỉ có 23% người dân xả thải khu vực phía sau nhà, còn lại 77% xả xuống rạch ngay trước nhà. Những con rạch này còn phải hứng thêm các ống xả thải từ bệnh viện, chợ, các cơ sở sản xuất - kinh doanh…

Mặc dù dòng nước vẫn đen xì, bốc mùi hôi nhưng có thể thấy, tình trạng ô nhiễm ở rạch Ông Mạnh, Bà Bầu và Cái Sơn đã cải thiện hơn khi 75% người dân cho rằng, ô nhiễm nguồn nước giảm so với 5 năm trước. Hiện nay, các tuyến kênh này đều có xe tự quản thu gom rác. Việc đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải TP. Long Xuyên giúp giảm lượng nước xả thải trực tiếp xuống kênh. Bản thân người dân cũng ý thức hơn trong bảo vệ môi trường khi trong số 60 người được hỏi, hầu hết đều nói rằng họ không bỏ rác xuống kênh, chỉ có 5 người (8%) cho biết, họ có bỏ rác hữu cơ như lá cây khô, thức ăn thừa ôi thiu xuống kênh. Đa số người dân đều mong muốn sớm cải tạo kênh và đồng tình với việc tham gia đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải, chấp nhận đóng phí đấu nối nếu phù hợp với khả năng kinh tế.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại An Giang mới đây, đoàn công tác đến từ TP. Vaxjo (Thụy Điển) đã đi khảo sát thực trạng ô nhiễm rạch Ông Mạnh, Bà Bầu, Cái Sơn. “Vẫn còn tình trạng xả thải thẳng và vứt rác xuống kênh, tình trạng ô nhiễm môi trường là đáng ngại. Tuy nhiên, so với nhiều đô thị khác thì TP. Long Xuyên vẫn sạch, đẹp hơn. Bên cạnh đó, thành phố đang có nhiều nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải TP. Long Xuyên. Qua trao đổi, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường cũng khá tốt” - bà Ingrid Palmdad Orlander (Điều phối viên dự án, kỹ sư điều tra thuộc Ủy ban Kỹ thuật TP. Vaxjo) nhận xét.

Trong chuyến làm việc này, tỉnh An Giang và TP. Vaxjo đã tập trung phân tích, mổ xẻ sâu về hiện trạng ô nhiễm kênh, rạch trên địa bàn TP. Long Xuyên. Các chuyên gia TP. Vaxjo cũng chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nước bền vững của thành phố Bắc Âu này để có những góp ý thiết thực cho khung kế hoạch quản lý nước cho TP. Long Xuyên. Theo bà Phạm Ngọc Xuân, Giám đốc Ban quản lý Dự án hợp tác An Giang - Thụy Điển, việc hợp tác nhằm đạt kỳ vọng xây dựng TP. Long Xuyên trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp bậc nhất ĐBSCL.

Theo mục tiêu dài hạn, tổng quát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 thì TP. Long Xuyên sẽ đạt 100% về xử lý lượng nước thải (sinh hoạt, công nghiệp), cung cấp 100% nước sạch (theo QCVN 01:2009 của Bộ Y tế), mạng lưới tiêu, thoát nước mưa hoàn chỉnh (100% khu vực không bị ngập úng)...

NGÔ CHUẨN