Hướng đến chăn nuôi lớn

29/03/2019 - 07:55

 - Phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại, công nghiệp được xem là giải pháp tốt nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và thuận lợi trong liên kết đầu ra. Khi chăn nuôi lớn, công tác phòng bệnh, kiểm soát dịch bệnh dễ thực hiện hơn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nỗ lực kiểm soát dịch bệnh

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) An Giang Trần Tiến Hiệp, năm 2018, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát rất tốt, chỉ xảy ra những bệnh thông thường như: cảm nóng say nắng, bỏ ăn và được can thiệp kịp thời. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm và dịch tả heo Châu Phi. “Năm 2019, diễn biến dịch bệnh khá phức tạp, đặc biệt là sự lan rộng của dịch tả heo Châu Phi ở nhiều tỉnh, thành phố. Ngay từ đầu năm, ngành đã tích cực tham mưu, triển khai ứng phó dịch bệnh nhằm vực dậy ngành chăn nuôi” - ông Hiệp thông tin.

An Giang khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại

Đối với dịch tả heo Châu Phi, bên cạnh tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND ban hành các công văn, kế hoạch hành động ngăn chặn dịch, triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch, Chi cục CN&TY còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức cho người dân, chỉ đạo các Trạm CN&TY cấp huyện, nhân viên CN&TY ở các xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương. Các Trạm CN&TY, Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu biên giới, Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông được yêu cầu phối hợp các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm soát phương tiện vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo; kiên quyết xử lý đối với những trường hợp nhập lậu, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo qua tuyến biên giới, không rõ nguồn gốc.

“Hiện nay, công tác phòng bệnh khi chưa xảy ra dịch tả heo Châu Phi đang được triển khai khẩn trương, quyết liệt. Trong trường hợp xảy ra dịch, sẽ lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy heo, các sản phẩm từ heo bệnh. Đồng thời, thực hiện các giải pháp khống chế, chống dịch như: khoanh vùng ổ dịch, giải pháp về vận chuyển, giết mổ, giải pháp an toàn sinh học và tái đàn sau khi hết dịch” - ông Hiệp chia sẻ.

Khuyến khích trang trại, chăn nuôi công nghiệp

Ông Hiệp cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 419 hộ chăn nuôi heo từ 30 con trở lên, với 35.837 con (bình quân hơn 85,5 con/hộ); có 7 hộ chăn nuôi gà quy mô hơn 1.000 con/hộ, tổng đàn 11.580 con; 37 hộ chăn nuôi vịt quy mô lớn (trên 1.000 con) với tổng đàn 83.300 con. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi lớn. Trong đó Công ty TNHH MTV SD đang nuôi 385 con bò lai, cung cấp cho thị trường 12 tấn thịt hơi (trọng lượng thịt hơi bình quân 400kg/con) năm 2017; Công ty TNHH Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang  với quy mô tổng đàn 9.116 con heo; Công ty TNHH TM&DV XNK Hoàng Vĩnh Gia quy mô 6.000 con heo thịt; Công ty TNHH chăn nuôi công nghệ cao An Khang quy mô 2.400 con heo thịt, 2.400 con gà thịt, cung cấp cho thị trường 348 tấn thịt gà hơi (bình quân 2,9 kg/con) trong năm 2018; Trại chăn nuôi Vĩnh Khánh (Công ty Afiex) quy mô 2.207 con heo…

Bên cạnh khuyến khích phát triển chăn nuôi lớn, Chi cục CN&TY An Giang đang triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2018-2025 (Quyết định phê duyệt số 2367/QĐ-UBND, ngày 27-9-2018 của UBND tỉnh). Mục tiêu của kế hoạch là “Hình thành và từng bước đưa vào hoạt động hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn An Giang theo hướng tiên tiến gắn với vùng nguyên liệu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm”. Theo đó, giai đoạn 2018-2019, tỉnh sẽ xây dựng 9 cơ sở giết mổ tập trung tại TP. Châu Đốc, xã Đa Phước (An Phú), thị trấn Chợ Mới, xã Tấn Mỹ (Chợ Mới), thị trấn Tịnh Biên, thị trấn Chi Lăng (Tịnh Biên), xã Châu Lăng (Tri Tôn), xã Định Thành và Vọng Đông (Thoại Sơn). Giai đoạn 2020-2021, dự kiến có thêm 4 cơ sở giết mổ tại thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân), xã An Thạnh Trung, Mỹ Hội Đông (Chợ Mới), phường Long Phú (TX. Tân Châu). Giai đoạn năm 2022-2025, dự kiến xây dựng 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Hòa Lạc (Phú Tân), xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn), xã Vọng Thê (Thoại Sơn), xã Khánh Bình (An Phú) và xã Vĩnh Bình (Châu Thành).

Ông Trần Tiến Hiệp nhấn mạnh, nhằm hướng đến phát triển bền vững ngành chăn nuôi, An Giang tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn, trang trại, gia trại được xem là giải pháp hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN