Hướng đến kỷ niệm 40 năm tái lập huyện Tri Tôn

16/05/2019 - 07:55

 - Tri Tôn là vùng đất đặc biệt, có lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng hào hùng. Hướng đến kỷ niệm 40 năm tái lập huyện cũng như lịch sử 180 năm hình thành vùng đất Tri Tôn, huyện đang tập trung vào những công trình chào mừng nhiều ý nghĩa.

Phát huy truyền thống

Năm 2019 cũng là dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông, một trong những bản hùng ca của quân và dân An Giang trong kháng chiến chống Pháp. Chiến công vang dội trong trận đánh cầu sắt Vĩnh Thông là niềm cảm hứng để nhạc sĩ Quách Vũ viết ca khúc “Câu hát Vĩnh Thông”, còn trong ca khúc “Vĩnh Thông bất diệt”, nhạc sĩ Hiếu Nam nhắc lại hình ảnh: “Bao phen quạ nói với diều, Vĩnh Thông cầu sắt có nhiều xác Tây...”. Theo đó, trong 7 ngày (từ ngày 3 đến 10-6-1949), trong trận phục kích tại cầu sắt Vĩnh Thông, quân kháng chiến với vũ khí thô sơ hơn đã tiêu diệt gần 300 tên lính viễn chinh Âu - Phi, bắt sống 7 tên, thu 213 súng các loại, bẻ gãy âm mưu của địch lấn chiếm vùng Bảy Núi và khóa cửa giao thông qua lại biên giới, giữ vững vùng giải phóng. Chiến thắng vang dội trong trận cầu sắt Vĩnh Thông đã làm nức lòng quân - dân An Giang, củng cố niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng.

Chữ "TRI TÔN" trên Phụng Hoàng Sơn - điểm nhấn du lịch mới của Tri Tôn

Tiến tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông, được sự hỗ trợ của huyện Tri Tôn, UBND xã Lạc Quới đã hoàn thành công trình nâng cấp bia chiến thắng tại ấp Vĩnh Hòa (xã Lạc Quới). Công trình có diện tích 285,6m2, tổng vốn đầu tư trên 800 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa (vận động các doanh nghiệp trong huyện hỗ trợ), do Công ty TNHH MTV Gia Vĩ Hòa (Tri Tôn) thiết kế và xây dựng. Ngoài bia chiến thắng, còn có các hạng mục công viên, cây cảnh.

Bên cạnh bia chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân trên địa bàn huyện Tri Tôn còn chung tay, góp sức làm nên những công trình ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 40 năm tái lập huyện và 180 năm hình thành vùng đất Tri Tôn như: cổng chào với 2 phiến đá giải thích ngắn gọn về địa danh “Bảy Núi” và nguồn gốc địa danh “Tri Tôn”; sân đua bò mới cùng biểu tượng đôi bò đua bằng đá có kích thước tương đương đôi bò thật; khánh thành và đưa vào phục vụ chữ “TRI TÔN” cao 7m trên đỉnh Phụng Hoàng Sơn (chưa kể bệ đỡ cao từ 1,5 - 2m); lắp đặt màn hình led lớn tại Nhà Thiếu nhi huyện Tri Tôn để phục vụ người dân…

Nhiều hoạt động chào mừng

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, dự kiến ngày 7-6-2019, huyện sẽ tổ chức mít-tinh tại ấp Vĩnh Hòa (xã Lạc Quới), ôn lại lịch sử oai hùng của trận cầu sắt Vĩnh Thông cách nay 70 năm, gắn với chào mừng hoàn thành công trình nâng cấp bia chiến thắng. Hoạt động này cho thấy tầm quan trọng của chiến thắng cầu sắt Vĩnh Thông, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ và nhân dân vùng biên ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. “Tiếp theo, ngày 10-6 (8-5 âm lịch), tại công viên Võ Văn Kiệt (xã Lạc Quới), huyện sẽ trang trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 11 cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Mỗi xã, thị trấn của huyện đều có 1 mâm cơm dâng cúng để tưởng nhớ công ơn của người khởi động các công trình thoát lũ ra biển Tây, giúp đánh thức tiềm năng và khai phá vùng Tứ giác Long Xuyên” - ông Cao Quang Liêm thông tin.

Hiện nay, mỗi ban, ngành, đoàn thể, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn đều đã đăng ký và đang nỗ lực hoàn thành ít nhất 1 công trình, tổ chức thi đua nước rút để chào mừng kỷ niệm 40 năm tái lập huyện và 180 năm hình thành vùng đất Tri Tôn. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, lễ mít-tinh kỷ niệm 40 năm tái lập huyện sẽ được tổ chức trang trọng vào lúc 9 giờ sáng 23-8-2019. Trước đó, tối 22-8, huyện sẽ tổ chức đêm văn nghệ phục vụ người dân, có tăng cường các ca sĩ, nghệ sĩ từ TP. Hồ Chí Minh. Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm này, sẽ lồng ghép tổ chức thi đấu thể dục - thể thao, triển lãm ảnh, diễu hành xe hoa cùng nhiều loại hình vui chơi, giải trí nhằm tạo khí thế phấn khởi, vui tươi trong quần chúng nhân dân. “Hoạt động chỉnh trang đô thị đã được triển khai quyết liệt từ đầu năm đến nay. Qua đó, tạo bộ mặt đô thị lịch sự, văn minh thời điểm trước, trong lễ kỷ niệm 40 năm tái lập huyện và tiếp tục duy trì sau đó” - ông Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Năm 1839, vùng đất Tri Tôn được hình thành (thuộc phủ Tĩnh Biên, tỉnh Hà Tiên). Năm 1842, phủ Tĩnh Biên chuyển sang thuộc tỉnh An Giang. Sau nhiều lần chuyển đổi, ngày 11-3-1977, huyện Tri Tôn hợp nhất với huyện Tịnh Biên thành huyện Bảy Núi. Ngày 23-8-1979, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 300-CP chia huyện Bảy Núi thành 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN