Hướng nghiệp với mô hình trồng rau trong nhà màng

15/01/2019 - 08:00

 - “Trồng rau trong nhà màng để hướng nghiệp cho học sinh THPT” tại Trường THPT Hòa Lạc (xã Hòa Lạc, Phú Tân) là mô hình đầu tiên của tỉnh được triển khai theo hướng: hướng nghiệp gắn liền với trải nghiệm cho học sinh và hoạt động sản xuất của địa phương. Mô hình giúp các em học sinh nâng cao nhận thức về canh tác rau an toàn, bảo vệ môi trường và định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh.

Vườn rau 100m2

Thầy Đỗ Trần Vĩnh Lộc (giáo viên Trường THPT Hòa Lạc, người trực tiếp thực hiện mô hình) cho biết, theo hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh gắn với sản xuất - kinh doanh tại địa phương, Trường THPT Hòa Lạc đã dành nhiều thời gian để giảng dạy, lồng ghép, hướng nghiệp cho học sinh về nông nghiệp an toàn khi còn học phổ thông. Tuy nhiên, việc dạy trên lớp chỉ mang tính lý thuyết, còn thực hành thì rất thiếu. “Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ cùng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân, trường đã tiến hành xây dựng nhà màng để trồng rau, phục vụ công tác giảng dạy, hướng nghiệp. Kinh phí thực hiện trên 120 triệu đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 60 triệu đồng và được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Tân tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật” - thầy Lộc cho biết.

Trồng rau trong nhà màng để hướng nghiệp cho học sinh Trường THPT Hòa Lạc

Nhà màng sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời có quy mô 100m2, được  học sinh Trường THPT Hòa Lạc thử nghiệm trồng rau cải xanh và xà lách theo phương pháp tưới nhỏ giọt, thủy canh hoàn lưu và thủy canh tĩnh. Tại khu thực nghiệm, học sinh có thể trực tiếp quan sát, canh tác, chăm sóc, tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Định kỳ, học sinh được hướng dẫn kiểm tra, theo dõi bệnh, đo chiều cao rau và cân nặng. “Việc xây dựng 3 phương pháp canh tác tạo điều kiện cho các em so sánh, đánh giá hiệu quả của từng mô hình. Giúp các em định hình, lựa chọn hình thức canh tác sau này”- thầy Lộc chia sẻ.

Theo thầy Lộc, mục tiêu của mô hình là tạo điều kiện cho các em có những trải nghiệm về canh tác, chăm sóc trên luống rau. Cho các em thấy được hiệu quả của việc áp dụng khoa học - kỹ thuật thông qua mô hình trồng rau thủy canh như: giảm thiểu tác hại của thời tiết, sâu bệnh…

Hướng nghiệp cho học sinh

Thực tế canh tác nông nghiệp hiện nay cho thấy, đa số nông dân còn canh tác theo phương pháp truyền thống, một số sản phẩm còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức an toàn, thậm chí ngoài danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây nguy hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, việc xây dựng mô hình trồng rau trong nhà màng ở Trường THPT Hòa Lạc được xem là cách làm thiết thực, hướng các em học sinh ứng dụng các biện pháp canh tác hiệu quả, an toàn cho bản thân cũng như cho người tiêu dùng, giúp các em định hướng, làm quen với nông nghiệp ứng dụng cao.

Các em học sinh hào hứng khi được tiếp thu kiến thức qua bài học thực tiễn

Về phần mình, các em học sinh rất hào hứng khi được tiếp thu kiến thức qua bài học thực tiễn. Em Trần Phú Quý (học sinh lớp 11C1) chia sẻ: “Em rất thích học theo hình thức trực quan, bởi trước giờ các tiết học nghề đều tiếp cận lý thuyết, ít thực hành. Với mô hình nhà màng, hàng ngày em được tham quan, hướng dẫn chăm sóc, đo đạc quá trình sinh trưởng, thu hoạch... Những kinh nghiệm có được, em có thể áp dụng ngay tại nhà. Điểm hay nữa là mô hình này được giới thiệu tại vùng nông thôn, đa số bà con nông dân đều canh tác nông nghiệp nên thu hút sự quan tâm khá lớn. Mô hình triển khai tại đây không chỉ phục vụ cho việc học tập, mà còn giới thiệu với nhiều người dân”.

Đây là mô hình đầu tiên, được triển khai theo hướng: hướng nghiệp gắn liền với trải nghiệm cho học sinh và hoạt động sản xuất của địa phương. Thầy Đỗ Trần Vĩnh Lộc cho biết: “Trước mắt, sản phẩm thu hoạch sẽ được bán ở trường và tại chợ địa phương. Trên cơ sở kết quả đạt được, mô hình sẽ  chuyển giao kỹ thuật trồng rau cho học sinh trên địa bàn huyện, cũng như các trường THPT khác trong tỉnh”.

Bài, ảnh: ĐÌNH ĐỨC

 

Liên kết hữu ích