Hướng phát triển ngành dừa bền vững

28/03/2018 - 09:23

Xác định dừa là cây trồng chủ lực của tỉnh, ngành dừa được định hướng là ngành kinh tế chiến lược của tỉnh.

A A

Bình tuyển dừa giống đạt chuẩn. Ảnh: C.Trúc

Những năm qua, với việc phát triển công nghiệp dừa, xây dựng chuỗi giá trị và từng bước nâng cấp chuỗi giá trị dừa của tỉnh, cây dừa đang được khai thác tốt tiềm năng và giá trị thực của nó. Người trồng dừa ngày càng có niềm tin vào sự phát triển bền vững của cây trồng mà bao thế hệ đã gắn bó.

Đầu tư phát triển toàn diện

Thông qua Chương trình phát triển ngành dừa từ năm 2016 đến nay, cây dừa được tỉnh quan tâm, tập trung phát triển toàn diện.

Theo ông Huỳnh Quang Đức - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương bình tuyển trên 8,2 ngàn cây dừa giống. Khả năng cung cấp từ 460 - 520 ngàn trái dừa giống/năm. Việc thiết lập vườn dừa giống là một trong những cách cần thiết để phát triển nguồn cây giống có nguồn gốc, chất lượng. Kết quả, đơn vị đã thiết lập được 15 vườn dừa giống tại 2 huyện Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam (6,5ha). Đến cuối năm 2017, diện tích dừa toàn tỉnh đạt hơn 70 ngàn héc-ta, tăng hơn 3 ngàn héc-ta so với năm 2015. Sản lượng đạt trên 600 triệu trái/năm.

Xét trong chuỗi giá trị cây dừa, các tác nhân như thương lái, người thu gom dừa trong giai đoạn thu hoạch và cơ sở sơ chế dừa trái đã được quan tâm đúng hướng. Đây cũng là đối tượng kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân. Toàn tỉnh có gần 1,4 ngàn thương lái, trong đó khoảng 96% thương lái mua trực tiếp tại vườn. Các cơ sở sơ chế dừa cũng là tác nhân đầu mối, quan trọng, góp phần nâng cao năng lực chế biến của các tác nhân khác trong chuỗi giá trị dừa. Toàn tỉnh hiện có 236 cơ sở.

Các vườn dừa cần được đầu tư cải tạo. Ảnh: C.Trúc

Từ khi có Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hoạt động thu hoạch và tiêu thụ dừa trái được tập trung hỗ trợ hình thành các mô hình hợp tác để giúp người dân liên kết sản xuất và hợp tác được với DN chế biến, tiêu thụ dừa.

Nâng cao giá trị gia tăng

Khâu chế biến dừa theo hướng giá trị gia tăng trong năm qua khá sôi động với nhiều DN mở rộng sản xuất, chuyển hướng từ sản xuất cơm dừa nạo sấy sang sữa dừa, bột sữa dừa và các sản phẩm tinh chế khác đang được thị trường hướng đến. Thông qua Chương trình phát triển ngành dừa, trong 2 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ chi phí đổi mới thiết bị, máy móc cho DN đầu tư 11 dự án thông qua các hoạt động khuyến công, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư 58,62 tỷ đồng). Đồng thời, chương trình hỗ trợ các DN triển khai đầu tư 5 dự án phát triển sản xuất có quy mô khá lớn như: nhà máy chế biến sữa dừa đóng lon, nước dừa đóng lon, nhà máy cơm dừa nạo sấy béo thấp - Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, nhà máy sản xuất sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon - Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre; nhà máy sản xuất sữa dừa và cơm dừa nạo sấy béo thấp - Công ty thực phẩm Ngưu Dừa…

Việc đồng hành, hỗ trợ của tỉnh đối với DN chế biến trong chương trình phát triển ngành dừa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chế biến, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa (giá so sánh năm 2010) năm 2017 ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân (năm 2016 và 2017) là 9,54%/năm. Thị trường xuất khẩu dừa được mở rộng thêm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ 80 lên 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tăng từ 150 triệu USD năm 2016 lên hơn 192 triệu USD năm 2017, chiếm 23,19% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2017.

Thực tế trong 2 năm qua đã chứng minh đây là hướng phát triển đúng đắn và mang tính bền vững của ngành dừa. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống theo phương pháp thủ công đang giảm dần, hoạt động sản xuất được điều tiết giảm theo hoặc phải cải tiến.

Thời gian tới, để tạo điều kiện thu hút DN, nhà đầu tư ngành công nghiệp dừa, tỉnh đã thiết lập các cụm công nghiệp (CCN) và mời gọi. Hiện đã thiết lập 2 CCN tập trung chế biến dừa trên cơ sở đầu tư, nâng cấp CCN Phong Nẫm (Giồng Trôm) và CCN Thành Thới B (Mỏ Cày Nam). Mục tiêu là thu hút các nhà máy DN sơ chế - chế biến dừa tập trung; thiết lập một hệ thống thu mua (chợ đầu mối) - sơ chế - chế biến các sản phẩm từ dừa liên hoàn. Cụ thể, CCN Phong Nẫm đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, tổng diện tích 41,94ha. Hiện có 7 dự án đăng ký đầu tư vào cụm, diện tích cho thuê 25,08ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng. CCN Thành Thới B được thành lập thay thế cho CCN An Thạnh và được vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 315 triệu đồng để lập quy hoạch chi tiết. Hiện cụm có 3 dự án đăng ký đầu tư, với diện tích 13,5ha, tổng vốn đầu tư khoảng 693,25 tỷ đồng.

(Ông Võ Minh Hoàng - Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương)

Theo Báo Đồng Khởi