Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tổn thương não

14/07/2018 - 18:05

Một nghiên cứu mới cảnh báo huyết áp cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghẽn mạch máu và các rối loạn liên quan đến bệnh Alzheimer.

Sau khi theo dõi gần 1.300 người lớn tuổi cho đến khi họ qua đời, các nhà khoa học phát hiện những người có chỉ số huyết áp tâm thu cao có nguy tổn thương não cũng cao hơn. Những tổn thương này bị chi phối bởi tình trạng gọi là "nhồi máu" - tình trạng hoại tử mô do tắc nghẽn máu trong động mạch. Nó là đỉnh điểm của thiếu máu cục bộ, có thể dẫn đến đột quỵ.

Huyết áp bình thường được xác định là 120/80 mm/Hg hoặc thấp hơn. Chỉ số thứ nhất (hay chỉ số trên) là huyết áp 'tâm thu' – là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, xảy ra khi tim co bóp. Chỉ số thứ hai (hay chỉ số dưới) là huyết áp tâm trương – là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng.

Cuối năm ngoái, American College of Cardiology và American Heart Association đã thay đổi các khuyến cáo về huyết áp, xác định huyết áp cao là huyết áp có chỉ số 130/80 mm/Hg hoặc cao hơn.

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ tổn thương não.

Tác giả nghiên cứu, Zoe Arvanitakis, đồng thời là giám đốc y khoa của phòng khám bộ nhớ Rush ở Chicago cho biết: "Trong nhiều năm liền, chúng ta biết rằng huyết áp cao, nhất là khi còn trẻ có thể dẫn đến đột quỵ. Tuy nhiên, chúng ta biết ít về bệnh mạch máu não và do đó chúng tôi muốn kiểm tra ảnh hưởng của huyết áp tới sức khỏe trong cuộc sống sau này".

Arvanitakis và nhóm của cô đã theo dõi gần 1.300 người ở độ tuổi trung bình là 89 cho đến khi họ qua đời. Hai phần ba số người tham gia, chủ yếu là phụ nữ, có tiền sử mắc cao huyết áp, và 87% dùng thuốc huyết áp.

Sử dụng kết quả khám nghiệm tử thi sau khi những người tham gia qua đời, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 48% có một hoặc nhiều tổn thương do não gây ra. Nguy cơ tổn thương cao hơn ở những người có huyết áp tâm thu trung bình cao hơn trong những năm qua.

Ví dụ, đối với người có huyết áp tâm thu trung bình 147 mm/Hg có tỷ lệ tổn thương não cao hơn 46% so với những người có huyết áp tâm thu trung bình 134 mm/Hg. Ngoài ra, tồn tại nguy cơ tổn thương não nhỏ hơn ở những người có huyết áp tâm trương cao nhưng tỷ lệ này vẫn đáng chú ý.

Tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh Alzheimer trong não trong quá trình khám nghiệm tử thi, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện mối liên hệ giữa huyết áp tâm thu và số lượng các đám rối thần kinh, biểu hiện của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên bệnh Alzheimer cũng được biểu hiện thông qua các mảng amyloid, và các mảng bám này không liên quan đến huyết áp trong nghiên cứu do đó, Arvanitakis cho biết cần có nhiều nghiên cứu hơn.

Tiến sĩ Ajay Misra, chủ tịch khoa thần kinh tại Bệnh viện Winthrop NYU ở Mineola, cho biết nghiên cứu này là rất quan trọng, nó cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát huyết áp ở người lớn tuổi. Ông cũng lưu ý rằng nghiên cứu cho thấy rằng huyết áp giảm nhanh ở người lớn tuổi thực sự làm tăng nguy cơ đột quỵ, nguyên nhân có thể do các động mạch đàn hồi kém hơn khi chúng ta già đi dẫn đến việc huyết áp cao hơn nhằm duy trì đủ lượng máu cần thiết.

Theo VietQ