IAEA xác nhận Iran đang lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến

09/09/2019 - 19:43

Theo IAEA, các máy ly tâm này đã được lắp đặt tại cơ sở hạt nhân Natanz và "tất cả các máy ly tâm được lắp đặt đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm với khí UF6".

Một nhà máy hạt nhân của Iran. (Nguồn: dw.com)

Ngày 9-9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên hợp quốc xác nhận Iran đang lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến trong bối cảnh thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) có nguy cơ đổ vỡ sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này.

Trong một tuyên bố, IAEA cho biết vào ngày 7-9, cơ quan này "đã xác nhận các máy ly tâm sau đã được hoặc đang được lắp đặt: 22 máy IR-4, 1 máy IR-5, 30 máy IR-6 và 3 máy IR-6s."

Cũng theo IAEA, các máy ly tâm này đã được lắp đặt tại cơ sở hạt nhân Natanz và "tất cả các máy ly tâm được lắp đặt đã sẵn sàng cho việc thử nghiệm với khí UF6 (uranium hexafluoride) - một hỗn hợp khí dùng cho quá trình làm giàu urani, mặc dù không có thiết bị nào trong số này được thử nghiệm với UF6 vào ngày 7 và 8-9-2019."

Xác nhận của IAEA được đưa ra một ngày sau khi Tehran chỉ trích các cường quốc châu Âu đã để Iran có ít sự lựa chọn ngoại trừ việc thu hẹp những cam kết theo thỏa thuận hạt nhân có tên gọi đầy đủ la Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Hôm 7/9, Iran cũng thông báo với IAEA chi tiết bước đi mới, theo đó, các máy ly tâm IR-6 đã được nạp đầy khí urani, một chuỗi gồm 20 máy ly tâm IR-4 và IR-6 cũng đã được khởi động từ ngày 6-9, và 3 máy ly tâm IR-8 sẽ sớm được thử nghiệm. Về lý thuyết, các máy ly tâm tiên tiến có thể làm giàu urani với tốc độ nhanh hơn nhiều.

Người phát ngôn Cơ quan Hạt nhân Iran Behrouz Kamalvandi tuyên bố nước này đủ năng lực để nâng mức làm giàu vượt ngưỡng 20%, mức tinh chế urani mà Iran đã đạt được trước thời điểm ký JCPOA.

Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015, Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết. Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tháng 5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này.

Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt các động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Iran đã bắt đầu giảm dần các cam kết của mình nhằm trả đũa chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Mỹ.

Tuy nhiên, Tehran cho biết các biện pháp này hoàn toàn có thể đảo ngược nếu các nước châu Âu tham gia thỏa thuận tìm ra cách thức giúp bảo vệ lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ quan trọng của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo PHƯƠNG OANH (TTXVN/Vietnam+)