Iran gia nhập liên minh Nga-Trung-Venezuela dùng tiền điện tử

24/07/2019 - 15:48

Iran tuyên bố đã sẵn sàng hợp pháp hóa hoạt động khai thác tiền điện tử nhằm vô hiệu hóa đòn trừng phạt Mỹ.

Iran đã chuyển sang hợp pháp hóa việc khai thác bitcoin và các loại tiền điện tử khác, công nhận tiền điện tử kỹ thuật số là một ngành hợp pháp, sử dụng năng lượng để khai thác tiền điện tử. Tiền điện tử có thể là một phương pháp để làm giảm nhẹ tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ, tránh làm tê liệt nền kinh tế.

Tiền điện tử sẽ giúp các nước bị Mỹ trừng phạt vô hiệu hóa sức ép Mỹ?

Thống đốc Ngân hàng trung ương Iran (CBI) Abdolnaser Hemmati tuyên bố: "Ủy ban kinh tế của chính phủ đã chấp nhận một cơ chế sử dụng đồng tiền kỹ thuật số. Cơ chế này sẽ được đưa vào thảo luận tại một cuộc họp nội các".

Người đứng đầu Ủy ban kinh tế của chính phủ Iran - ông Elyas Hazrati trả lời phỏng vấn tờ Mehr News: "Chúng tôi tin rằng ngành công nghiệp tiền điện tử nên được công nhận là ngành chính thức ở Iran, cho phép nước này tận dụng lợi thế về thuế và hải quan. Bằng cách tạo ra điện giá rẻ, chúng tôi có thể cung cấp năng lượng cần thiết cho các máy đào tiền điện tử trên toàn quốc.

Thu nhập có được sẽ được sử dụng để mua ngoại hối. Theo đó sẽ loại bỏ được các khó khăn nếu phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Mỹ".

Iran đã bắt đầu thực hiện các bước để khởi động tiền điện tử của riêng mình vào năm ngoái, lo ngại về khả năng Mỹ gây áp lực lên các sàn giao dịch tiền điện tử, vốn đã bị buộc phải đóng băng thuộc về công dân Iran trong quá khứ.

Tiền điện tử đã được biết đến như một phương pháp an toàn cho Nga và Trung Quốc, Venezuela tìm đến trong bối cảnh chịu sức ép trừng phạt kinh tế của Mỹ.

Năm 2018, Venezuela đã cho ra mắt đồng tiền điện tử có tên "Petro" nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia và đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Đồng Petro điện tử của Venezuela được trợ giá bởi dầu mỏ, và theo giá vàng, khí đốt, dầu mỏ và kim cương quốc tế.

Chính quyền Caracas định giá đồng tiền điện tử này có giá bằng một thùng dầu của Venezuela, tương đương với khoảng 60 USD. Đây là hình thức mới nhằm giúp chính quyền Caracas chống lại tình trạng lạm phát và đồng tiền mất giá.

Mới đây, RT dẫn nghiên cứu mới của Tổ chức Quốc phòng Dân chủ Mỹ (FDD) đã khẳng định rằng các đối thủ địa chính trị của Mỹ đang triển khai công nghệ blockchain để giúp tránh các lệnh trừng phạt và chống lại sức mạnh tài chính của Mỹ.

FDD cho rằng, với sự gia tăng việc áp dụng tiền điện tử trên toàn thế giới, những nỗ lực từ khối các nước Nga, Trung Quốc, Iran, Venezuela đang được tiến hành để xây dựng các hệ thống mới để chuyển giá trị hoạt động bên ngoài cơ sở hạ tầng ngân hàng thông thường.

Các nước trên hiện đang thử nghiệm công nghệ làm nền tảng cho thị trường tiền điện tử, ưu tiên công nghệ blockchain như một thành phần quan trọng trong các nỗ lực của họ để chống lại sức mạnh tài chính của Mỹ.

"Nga, Iran và Venezuela đã khởi xướng các thí nghiệm công nghệ blockchain mà các nhà lãnh đạo của họ coi là công cụ để bù đắp sức mạnh cưỡng chế tài chính của Mỹ và tăng khả năng chống trừng phạt. Trung Quốc cũng là cảnh giác với sức mạnh tài chính của Mỹ và mối đe dọa luôn hiện diện của biện pháp trừng phạt chống lại các quan chức Trung Quốc" - báo cáo nêu rõ.

Nghiên cứu từ FDD cho rằng, các nỗ lực từ 4 quốc gia này là "tìm cách giảm hiệu lực của các biện pháp trừng phạt đơn phương và đa phương bằng cách phát triển các hệ thống thanh toán thay thế cho thương mại toàn cầu".

Nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo, ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu không còn là vĩnh viễn.

"Công nghệ đã tạo ra một con đường tiềm năng cho các hệ thống chuyển 'giá trị tài chính thay thế' ngoài tầm kiểm soát của Mỹ trong 2 đến 3 thập kỷ tới. Tuy nhiên, hiện nay nó đang xảy ra, làm lu mờ sức mạnh tài chính của Mỹ, giống như cách mà đồng USD từng làm lu mờ đồng bảng Anh" - nghiên cứu của FDD cảnh báo.

Trong khi đó, hiện nay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không công nhận loại tiền này.

Ông Trump đã chỉ trích Bitcoin, Libra và các loại tiền điện tử khác, đồng thời yêu cầu cần có một hiến chương ngân hàng với các công ty có đồng tiền điện tử, buộc họ phải tuân thủ các quy định quản lý của Mỹ và toàn cầu nếu muốn "trở thành một ngân hàng".

Ông Jerome Powell, Chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang (FED) cũng lo ngại kế hoạch phát hành đồng tiền điện tử Libra của Facebook. Ông cho rằng, Facebook sẽ không thể triển khai Libra trừ khi họ đảm bảo giải quyết được những vấn đề lo ngại liên quan tới quyền riêng tư, rửa tiền, bảo vệ người dùng và tính ổn định tài chính.

Theo Đất Việt