Kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ ở An Giang

14/05/2019 - 07:57

 - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư vừa ký văn bản báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh An Giang.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở huyện An Phú

Đến nay, An Giang đã lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành thích ứng với BĐKH và sự phát triển thượng nguồn sông Mekong. Các quy hoạch chú trọng tính linh hoạt và kết nối cao với các địa phương trong và ngoài vùng, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, trong đó lấy tài nguyên nước và thích ứng với BĐKH làm trọng tâm xuyên suốt; khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo phương châm chú trọng chất lượng hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm. Trong đó tập trung vào 2 nhóm sản phẩm chủ lực là lúa, gạo và thủy sản nước ngọt, trên cơ sở bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị mang tính chất liên tỉnh, liên vùng; duy trì các thị thường truyền thống, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới để giảm rủi ro thương mại.

Khảo sát, nghiên cứu quy hoạch các vị trí tiềm năng xây dựng hồ chứa nước đa mục tiêu, kết hợp tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái. Tiếp tục triển khai và tạo ra nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH, tiến đến một nền nông nghiệp hiện đại. Bảo tồn và phát triển các giá trị cốt lõi của tỉnh để phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch nông thôn gắn với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, tạo nên mạng lưới với các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn và bền vững. Tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản trị hành chính.

Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy hoạch phát triển giao thông, giao thông thủy nội địa, hệ thống thủy lợi nội đồng để thuận tiện vận chuyển hàng hóa đường thủy và đường bộ; xây dựng và phát triển hệ thống logistics hiện đại, có tính kết nối cao, đủ năng lực phục vụ lưu trữ, vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, chất lượng cao. Tiếp tục duy trì và phát triển các quan hệ đối tác chiến lược và thỏa thuận liên quan đến ứng phó BĐKH, quản trị nguồn nước, phát triển cơ sở hạ tầng với các đối tác quốc tế như: WB, ADB, GIZ (Đức), SECO (Thụy Sỹ), IUCN, AuSAID (Úc), USAID (Mỹ), JICA (Nhật), AFD (Pháp), Hà Lan nhằm tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ, đầu tư trong lĩnh vực BĐKH, tài nguyên nước và phát triển bền vững.

Tỉnh đã chủ trì và cùng các tỉnh, thành phố thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang hoàn thành xây dựng nội dung “Tầm nhìn chiến lược phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên” làm cơ sở thực hiện liên kết theo chỉ đạo của Nghị quyết 120 và cụ thể bằng đề án liên kết phát triển bền vững vùng Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, phối hợp ban hành chương trình ABCD Mekong với các tỉnh: Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp; với sự hỗ trợ của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu năm 2017 chia sẻ thông tin, kết nối để phát triển và hỗ trợ cho doanh nghiệp mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Tỉnh chủ động phối hợp các bộ, ngành và địa phương xây dựng các chương trình và dự án liên kết vùng ĐBSCL. Đã đề xuất 40 danh mục các dự án liên kết vùng. Trong đó An Giang được giao chủ trì, đề xuất 5 dự án: đầu tư nâng cấp Trung tâm Giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang; liên kết sản xuất lúa xuất khẩu các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp; đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi cho vùng Tứ giác Long Xuyên; tăng cường khả năng chống chịu sạt lở vùng giữa sông Tiền và sông Hậu; nâng cấp, cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế. Các sở, ngành liên quan đã có văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi danh mục đề xuất dự án của vùng được hoàn thiện, đây là cơ sở để phân bổ đầu tư và tăng cường nguồn lực thúc đẩy liên kết vùng tại ĐBSCL.

Phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường thiết kế và thực hiện chương trình truyền thông về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cơ quan quản lý các cấp, chính quyền địa phương và người dân nhận thức đầy đủ, chính xác các thách thức đang đặt ra đối với vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng để chủ động trong thích ứng với BĐKH và các tác động khác từ thượng nguồn...

An Giang có một số kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP, như: sớm ban hành quy hoạch vùng ĐBSCL để các tỉnh có cơ sở xây dựng quy hoạch và làm cơ sở triển khai các hoạt động liên kết vùng; sớm ban hành các chính sách chung cho toàn vùng để làm cơ sở cho các địa phương trong vùng trọng điểm vùng ĐBSCL thực hiện. Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng ĐBSCL, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng; đầu tư, hoàn chỉnh một số công trình quy mô lớn, tác động toàn vùng, như: Sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến đường N1; dự án cơ sở hạ tầng tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên; nâng cấp hệ thống logistics thủy - bộ kết hợp của vùng ĐBSCL để giảm chi phí vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu cho vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng…

Bài, ảnh: HỮU HUYNH