Khắc phục những “điểm nghẽn” nông nghiệp

12/01/2018 - 01:05

 - Chăn nuôi khó khăn, canh tác lúa chưa tuân thủ lịch thời vụ, chuyển đổi sản xuất (SX) rau màu còn thấp, xuất khẩu cá tra, cây ăn trái chưa như mong muốn, vai trò hợp tác xã (HTX) mờ nhạt… là những tồn tại, hạn chế của nông nghiệp (NN) An Giang năm 2017. Khi triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục những “điểm nghẽn” này, NN mới có điều kiện tăng tốc.

Thẳng thắn nhìn nhận khó khăn

Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Anh Thư cho rằng, phải nhìn vào những tồn tại, hạn chế của ngành NN để cùng hành động, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Theo ông Thư, năm 2017 tiếp tục chứng kiến sự khó khăn của ngành chăn nuôi, đặc biệt là heo và bò. Do thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm thường xuyên rớt xuống mức thấp, nhiều hộ nuôi thua lỗ nên thu hẹp quy mô đàn so năm trước. Đối với lúa, năng suất bình quân cả năm đạt 6,07 tấn/ha, dù cao hơn năm 2016 khoảng 0,13 tấn/ha nhưng thấp hơn trung bình nhiều năm, chưa đạt được kế hoạch đề ra.

Trong khi đó, nhiều nông dân (ND) chưa áp dụng triệt để quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, còn sạ dày, một số nơi SX trái lịch thời vụ… dẫn đến quản lý dịch hại khó khăn. Dù đã có chủ trương giảm diện tích trồng lúa ở những vùng kém hiệu quả, tăng diện tích hoa màu, cây ăn trái nhưng việc chuyển đổi SX rau màu còn chậm, chuỗi liên kết SX thiếu bền vững.

Năm 2017 được xem là một năm thắng lợi của ngành cá tra, cây ăn trái khi có thị trường tốt, ND thu được lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu vẫn còn thấp so với tiềm năng thị trường. Trong tổ chức liên kết SX, vai trò HTX NN chưa được phát huy. Nhiều HTX NN còn đơn điệu, chưa đa dạng dịch vụ, chưa tiếp cận được vốn vay theo Nghị định 55 của Chính phủ, còn thiếu vốn SX - kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực quản lý chưa đáp ứng.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh và các địa phương đã có nhiều cố gắng, cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, khi so với bộ tiêu chí mới thì một số xã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2016 trở về trước bị “rớt” một số chỉ tiêu, cần phải nâng chất thêm.

Tạo cơ chế đột phá

Phát triển NN là lĩnh vực được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Chương trình hành động phát triển NN giai đoạn 2016-2020 và định hướng phát triển đến năm 2025 được Tỉnh ủy ban hành, Đề án tái cơ cấu NN được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai là những cơ sở quan trọng để NN An Giang bứt phá.

Ông Trần Anh Thư cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành NN sẽ tiếp tục triển khai các nội dung như: giảm diện tích lúa, tăng diện tích rau màu, cây ăn trái; phát triển chăn nuôi trang trại, hạn chế nuôi nhỏ lẻ; trong phát triển NN ứng dụng công nghệ cao, chú trọng NN hữu cơ; tăng cường SX lúa giống công nghệ cao, phát triển giống thủy sản, đặc biệt là giống cá tra 3 cấp; hợp tác với các tỉnh, thành phố tiêu thụ và quảng bá nông sản An Giang…

“Tỉnh sẽ phấn đấu tạo quỹ đất 1.000-2.000ha để phát triển NN chuyên canh, đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu ổn định của các doanh nghiệp lớn. Đồng thời, xây dựng 10 vùng NN công nghệ cao, gồm: 2 vùng ở Châu Phú (chăn nuôi và cá tra), 2 vùng ở Thoại Sơn (giống cá tra), 2 vùng ở Tri Tôn (chuối cấy mô và rau màu), 2 vùng ở Chợ Mới (xoài Cù lao Giêng và rau màu Kiến An), 1 vùng ở Tân Châu (khu chọn lọc cá tra bố mẹ) và 1 vùng ở Phú Tân (trồng nếp công nghệ cao)” - ông Thư thông tin.

Ông Thư cho biết, hiện nay, người nuôi cá tra đạt tỷ suất lợi nhuận hơn 40% (giá thành nuôi từ 19.500-20.000 đồng/kg, giá bán 28.000 đồng/kg) đã kích thích nhiều hộ thả nuôi trở lại. “Tuy nhiên, các địa phương cần lưu ý không để cá tra phát triển “nóng”, cần thả nuôi theo quy hoạch, quan tâm đến liên kết đầu ra và chất lượng con giống” - ông Thư nhấn mạnh.

Nhằm đảm bảo nguồn giống ổn định, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh hoàn thành Đề án giống cá tra 3 cấp, gửi Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, An Giang sẽ xây dựng trung tâm giống cá tra ở Thoại Sơn và vùng SX giống quy mô lớn ở Châu Phú để đáp ứng nhu cầu con giống của cả vùng ĐBSCL.

“Tỉnh đang liên kết với Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Vương Đình xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Đồng thời, phát triển các vùng cây ăn trái gắn với lợi thế từng địa phương. Trong quá trình chuyển đổi đất lúa sang cây ăn trái, các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn người dân trồng xen canh các loại rau màu ngắn ngày để bù đắp vào phần giá trị bị mất trong thời gian chờ cây cho thu hoạch trái” - ông Thư lưu ý.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN