Khai mạc thượng đỉnh 16 nước Trung-Đông Âu và Trung Quốc tại Bulgaria

08/07/2018 - 08:13

Ngày 7-7, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 các nhà lãnh đạo 16 nước Trung-Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (16+1) đã diễn ra tại thủ đô Sofia của Bulgaria.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Boyko Borissov khẳng định hội nghị thượng đỉnh sẽ giúp châu Âu mạnh mẽ hơn, đồng thời cho phép các nước kém phát triển dần bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến trong khu vực. Ông cho biết với nguồn vốn bổ sung từ Trung Quốc, các nước Trung và Đông Âu, trong đó có các nước khu vực Tây Balkan, có thể hoàn thành các dự án kết nối của mình mà họ không nhận được trước đó từ Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh hội nghị thượng đỉnh 16+1 không nhằm gây chia rẽ châu Âu mà ngược lại nó tạo cơ hội mới cho sự phát triển trong khu vực. Theo ông, một khi Liên minh châu Âu (EU) mạnh mẽ hơn, các cường quốc khác sẽ tìm kiếm một sự trợ lực mạnh mẽ hơn trong một thế giới cân bằng hơn, trong đó thương mại tự do luôn được tôn trọng và khuyến khích.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Latvia, bà Laimdota Straujuma bắt tay trong cuộc gặp của những người đứng đầu chính phủ Trung Quốc và các nước khu vực Đông và Trung Âu (CEE) (Ảnh: Reuters)

Ghi nhận tiến bộ đạt được trong khuôn khổ hợp tác 16 + 1 trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng mô hình này nên được mở rộng ra đối với các nước thành viên EU khác và các định chế tài chính như Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Ông tuyên bố Trung Quốc sẽ giúp xây dựng một trung tâm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp muốn hợp tác với đối tác Trung Quốc, và cung cấp cách thức nhận hỗ trợ từ các định chế tài chính quốc tế.

Ngoài 18 văn kiện hợp tác được ký kết, hội nghị đã ra tuyên bố chung về thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử và một chương trình hợp tác của Hiệp hội liên ngân hàng hai bên từ năm 2018 tới năm 2020. Bulgaria cũng trao quyền đăng cai hội nghị thượng đỉnh năm 2019 cho Croatia.

Diễn đàn 16+1 là sáng kiến của Trung Quốc nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác với 11 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (bao gồm Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia), và năm nước khu vực Tây Balkan (bao gồm Albania, Bosnia & Herzegovina, Macedonia, Montenegro và Serbia). Trong khuôn khổ sáng kiến, Trung Quốc đã xác định ba lĩnh vực ưu tiên tiềm năng cho hợp tác kinh tế: cơ sở hạ tầng, công nghệ cao và công nghệ xanh./.

Theo HỮU BÌNH (VOV)