Khai thác lợi ích mùa nước nổi

16/10/2018 - 09:21

Con nước đỉnh triều cường đầu tháng 9 âl vừa qua đã làm người dân ĐBSCL, nhất là người dân ở các đô thị bừng tỉnh với những lo âu về sạt lở bờ sông, tràn đường sá, ngập nhà cửa…

A A

Tuy nhiên, không giống như con nước triều cường, mùa nước nổi ở đồng bằng lên từ từ rồi đạt đỉnh và ở lại trên đồng vài ba tháng là một “con nước” hiền hòa, thân thiện.

Từ rất lâu, người dân ĐBSCL đã biết tận dụng, “sống chung” với mùa nước nổi và những lợi ích kinh tế từ mùa nước nổi mang lại ngày càng được khai thác tối đa.

Người dân ở ấp Vĩnh Hạ (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên- An Giang) làm khô nhái. Đây cũng là điểm đến thú vị dành cho khách du lịch và nghề làm khô nhái cũng đem lại kinh tế khá cho người dân.

Đi chợ mùa nước nổi

Từ cuối tháng 8, các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL đã khấp khởi mừng đón con nước đầu mùa đổ về khắp cánh đồng. Người dân thường dùng lưới, dớn, côn bắt các loại cá tép hoặc đặt trúm bắt lươn…

Năm nay, con nước về sớm và nhiều, nguồn cá đồng dồi dào, đặc biệt các loại đặc sản “rặt đồng” chỉ mùa nước nổi mới có, như: cá linh, cua đồng, cá lóc, cá rô…

Cá linh đầu mùa bán tại vùng nước nổi đầu nguồn dao động từ 40.000- 60.000 đ/kg, về tới TP Cần Thơ, Vĩnh Long tăng đến 180.000 đ/kg. Người dân đánh bắt thủy sản cho biết, mỗi ngày có thể thu nhập từ 300.000đ, ngày “cá chạy” thu nhập 500.000đ.

Mùa nước nổi là mùa làm ăn của cư dân ở ruộng đồng, cũng là mùa “săn” cá đồng của người dân đô thị khi “đồ đồng” về chợ nhiều hơn.

Vì vậy, các tiểu thương cũng chuyển sang mặt hàng nước nổi nhiều hơn, nào là cá linh 30.000- 40.000 đ/kg, cua đồng 60.000- 90.000 đ/kg, cá lóc đồng 120.000- 150.000 đ/kg, chuột đồng 110.000- 130.000 đ/kg, ếch đồng 140.000- 160.000 đ/kg, tôm sông 180.000- 220.000 đ/kg…

“Đặc sản trời cho” còn có các loại bông, hễ mùa nước nổi thì trên sạp rau của cô Nguyễn Thị Tư- bán rau cải chợ Phường 2 (TP Vĩnh Long) không thể vắng bông súng, điên điển vì khách đi chợ ai cũng hỏi.

Mùa này cá theo nước về sông nhiều, nên anh Hùng ở xã Long An (Long Hồ) cho biết “cá nhiều, ngày nào siêng cũng kiếm 300.000- 400.000đ”.

Trong khi đó, dọc tuyến đường thuộc xã Long Mỹ cũng có vài điểm bán cá, tôm sông, mà theo người dân khu vực này ở cạnh sông Long Hồ, nguồn cá sông dồi dào.

Nhưng “giờ nước lớn cá sông còn ít, đợi khi nước rút bớt, cá từ đồng ra sông thì đánh bắt mới nhiều hơn”. Người đi chợ hiện nay cũng tinh ý, biết canh con nước để ra chợ tìm nguồn cá sông, cá đồng.

Trong khi mùa nước nổi tràn đồng, đối với người dân nông thôn như chú Tám (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) không chỉ “thả lưới bắt cá, tôm”, mà mùa nước còn giúp vệ sinh đồng ruộng, lấy phù sa và đem lại nhiều lợi ích tích cực.

Theo ông Nguyễn Văn Trí- công chức phụ trách tổng hợp Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, xả lũ đồng ruộng có những lợi ích như: đón phù sa, tháo rửa phèn, diệt côn trùng.

Thực tế, “từ đợt xả lũ năm 2017, mà vụ Đông Xuân vừa qua ở xã Mỹ Thuận, Nguyễn Văn Thảnh hiệu quả thấy rõ, sử dụng phân bón ít hơn, năng suất cao hơn gần 1 tấn/ha so năm trước đó”- ông nói.

Đây cũng là 2 xã có diện tích xả lũ truyền thống lớn nhất của huyện Bình Tân, Nguyễn Văn Thảnh có khoảng 1.400- 1.500ha, Mỹ Thuận có 800- 1.000ha.

Khai thác du lịch

Khu du lịch Vinh Sang đã đưa sản phẩm mùa nước nổi phục vụ du khách trên tàu.

Đến hẹn lại lên, mùa nước nổi hiện nay đã được rất nhiều công ty du lịch đưa vào tour khám phá miền Tây làm điểm nhấn, với rất nhiều dịch vụ “ăn theo” đáp ứng nhu cầu du khách.

Theo ông Lê Trường Giang- Giám đốc Khu du lịch Vinh Sang (Long Hồ), mùa nước nổi khách rất thích tour du lịch sông nước.

Với đặc trưng miệt vườn sông nước, khách ưa chuộng tour ăn trên tàu, nghe đơn ca tài tử vừa chạy quanh cù lao cho khách ngắm cảnh.

Ẩm thực theo mùa cũng được ưu tiên đãi khách: cá linh bông điên điển, cá ngát nấu bần… Đồng thời, điểm du lịch luôn có cá, tôm sông, cá đồng tươi sống cho khách khi có yêu cầu.

Còn gì thích thú bằng khi được bồng bềnh trên sông, ngắm sông nước, thưởng thức món đặc sản nước nổi tươi roi rói, nghe thêm câu vọng cổ, thiệt sướng hết có biết!

Anh Giang cho biết thêm: “Do đây là tour mới xuất hiện 1- 2 năm nay. Bởi vì chỉ có trong mùa nước nổi, nên lượng khách rất mê và đặt tour ngày càng nhiều, so với năm trước lượng khách khoảng 30- 40%.

Đặc biệt do trên tàu có bố trí sẵn bàn ghế, nhà vệ sinh, máy phát điện… nên phục vụ tốt du khách. Thường thì khách phải đặt tour trước nếu không sẽ hết tàu, cuối tuần là “sốt tàu” luôn, các tàu hoạt động hết công suất vẫn không đủ phục vụ khách”.

Dù ở ruộng đồng hay ở miệt vườn sông nước, mùa nước nổi đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, việc thích nghi “sống chung” với những điều kiện thay đổi và khai thác lợi thế mùa nước nổi là giải pháp cần thiết của người dân đồng bằng.

Theo AN- THẢO (Báo Vĩnh Long)