Khai thác lợi thế đặc sản thốt nốt

09/10/2018 - 07:49

 - Cây thốt nốt có thể được trồng ở nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL nhưng hầu như chỉ có vùng Bảy Núi (An Giang) là khai thác được các sản phẩm (SP) độc đáo từ thốt nốt như: đường thốt nốt, nước thốt nốt, trái thốt nốt, bánh bò thốt nốt… Với lợi thế này, tỉnh đang hướng đến xây dựng thương hiệu đường thốt nốt truyền thống của người Khmer An Giang, gắn với các điểm dừng chân để trưng bày, quảng bá, giới thiệu, đưa SP thốt nốt vang xa.

Lấy lại uy tín cho đường thốt nốt

Đường thốt nốt được xem là đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vùng Bảy Núi. Qua hàng trăm năm giữ gìn nghề truyền thống này, đường thốt nốt nguyên chất 100% được chứng minh giúp bổ sung năng lượng, tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ em, người lớn tuổi, ngăn ngừa táo bón, tạo hương vị độc đáo cho các món ăn… Dù không cần quảng cáo nhưng từ lâu, SP đường thốt nốt đã được nhiều người ưa chuộng, tiêu thụ rộng rãi thông qua các kênh phân phối nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trước nhu cầu sử dụng tăng cao, không ít cơ sở đã pha đường cát, đường phèn, một số thành phần khác vào SP đường thốt nốt nhằm tăng lợi nhuận (do giá đường cát chỉ bằng một nửa đường thốt nốt), gây ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng đường thốt nốt truyền thống. “Khi pha trộn đường cát vào, đường thốt nốt trở nên thô cứng hơn, mất vị ngọt nhẹ và mùi thơm đặc trưng, dùng nấu chè hoặc nêm vào các món ăn không ngon như đường thốt nốt nguyên chất” - chị Néang Sa Mone, ngụ ấp ấp Phước Lợi (xã Ô Lâm, Tri Tôn) chia sẻ.

Điểm dừng chân có vị trí rất thuận lợi

Vốn có nghề nấu đường thốt nốt truyền thống, gia đình lại nằm ở vị trí thuận lợi trên tuyến đường chính nối xã Cô Tô - Ô Lâm, cũng là tuyến đường đi qua Khu du lịch đồi Tức Dụp nổi tiếng, gia đình chị Néang Sa Mone được Hội Nông dân (ND) tỉnh và địa phương chọn làm điểm dừng chân đầu tiên để giới thiệu SP từ thốt nốt. Đây là một trong những thành quả của dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang” tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, do Tổ chức phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (AsiaDRHHA) tài trợ, Ban Điều hành và Quản lý dự án (Hội ND tỉnh) triển khai và quản lý thực hiện.

Đánh thức tiềm năng

Điểm dừng chân của gia đình chị Néang Sa Mone cũng là nơi tiêu thụ SP đường thốt nốt của 20 hộ dân Khmer ở Làng nghề sản xuất đường thốt nốt xã Ô Lâm. “Trong quá trình triển khai dự án, các hộ nấu đường thốt nốt đã được tập huấn về quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, thái độ phục vụ khách lịch thiệp, thân thiện. Mùa hè tình nguyện vừa qua, các sinh viên tình nguyện và đoàn viên, thanh niên địa phương đã hỗ trợ san lấp mặt bằng. Tiếp đến, Hội ND tỉnh, huyện, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản An Giang, cấp ủy, chính quyền xã Ô Lâm hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm dừng chân bài bản, lịch sự. Đây sẽ là nơi vừa tiêu thụ SP từ thốt nốt cho bà con Khmer, vừa là đầu mối liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu đường thốt nốt, quảng bá SP thốt nốt cho du khách gần xa” - chị Néang Sa Mone phấn khởi.

Tại điểm dừng chân đầu tiên do AsiaDRHHA tài trợ (vừa ra mắt ngày 6-10-2018), gia đình chị Néang Sa Mone trưng bày khá bắt mắt các SP nổi tiếng từ thốt nốt như: đường thốt nốt, bánh bò, bánh ít, bánh gói lá thốt nốt, ngoài ra còn có cốm dẹp, đặc biệt là SP đường thốt nốt đóng gói mang thương hiệu BN kèm ghi chú “SP truyền thống người Khmer An Giang” với thành phần 100% đường thốt nốt tự nhiên. “Đây là lần đầu tiên có thương hiệu riêng cho SP đường thốt nốt của đồng bào DTTS Khmer ở An Giang. Từ nay về sau, nếu có cơ sở, doanh nghiệp nào tự ý lấy tên gọi đường thốt nốt BN kèm ghi chú “SP truyền thống người Khmer An Giang” có thể bị kiện, phải bồi thường. Hiện nay, SP đường thốt nốt truyền thống đã tiếp cận được hệ thống phân phối của một số siêu thị trong tỉnh. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới, không chỉ có đường mà sẽ có thêm nhiều SP từ thốt nốt được đóng gói, xây dựng thương hiệu như: thịt trái thốt nốt, nước thốt nốt đóng lon, rượu thốt nốt… để nâng cao giá trị cây thốt nốt, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS Khmer” - Chủ tịch Hội ND tỉnh Châu Văn Ly nhấn mạnh.

Từ điểm dừng chân đầu tiên ở xã Ô Lâm, Ban Điều hành và Quản lý dự án (Hội ND tỉnh) sẽ nghiên cứu mở rộng các điểm dừng chân giới thiệu SP từ thốt nốt ở các xã có vị trí thuận lợi về đường giao thông, phát triển du lịch như: xã Tà Đảnh, Châu Lăng (Tri Tôn), An Phú, Nhơn Hưng, An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo (Tịnh Biên). Đây sẽ là những nơi liên kết sản xuất, tiêu thụ kết hợp trưng bày, giới thiệu SP thốt nốt uy tín, chất lượng của đồng bào DTTS Khmer vùng Bảy Núi

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN