Khan hiếm vaccine phòng dại

02/05/2018 - 06:49

 - Những tháng qua, vì một số lý do, nhà cung cấp chậm phân phối vaccine phòng dại đến một số tỉnh, thành phố phía Nam. Do vậy, các trung tâm y tế tiêm chủng không đủ liều vaccine tiêm cho người không may bị chó, mèo cắn.

Theo bác sĩ Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, thời gian qua, do khan hiếm vaccine phòng dại nên trung tâm đã hướng dẫn người dân đến Trung tâm Y tế huyện, thành phố nơi còn vaccine để được tiêm phòng. Đây là tình trạng chung của một số tỉnh, thành phố phía Nam. Ngay cả người dân các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp, TP. Cần Thơ do hết vaccine nên đã sang An Giang tiêm phòng. Đến thời điểm hiện tại, nguồn cung vaccine đã có trở lại chút ít nên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã hướng dẫn người dân các tỉnh trở về địa phương tiêm phòng, ưu tiên trữ nguồn vaccine cung cấp cho người dân trong tỉnh”.

Lý giải tình trạng khan hiếm trên, bác sĩ Hùng cho biết, hiện Việt Nam đang sử dụng 2 loại vaccine phòng dại là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Hàng đã nhập nhưng do phải chờ các khâu kiểm tra chất lượng cẩn thận mới tiến hành phân phối. Do vậy, người dân không nên quá lo lắng về tình trạng khan hiếm vaccine xảy ra nhất thời.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để chủ động phòng ngừa bệnh dại, từ đầu năm 2008 đến nay, người dân các địa phương được khuyến khích mang chó, mèo đi tiêm phòng, với 9.779 lượt (đạt 32% so với kế hoạch năm). Đồng thời, thực hiện 5 đợt bắt chó thả rông tại các huyện: Chợ Mới, Châu Thành, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc nhằm ngăn ngừa chó bị bệnh dại cắn người, nhất là vào mùa nắng nóng, nguy cơ phát bệnh dại ở động vật tăng cao.

Chi cục đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân các địa phương nâng cao hiểu biết về bệnh dại. Đó là nhận biết các biểu hiện của động vật nhiễm bệnh dại như: hung dữ khác thường, nước dãi nhiều, giọng sủa khàn, liệt hàm dưới, liệt chi, toàn thân và chết, triệu chứng dại của mèo giống của chó nhưng thích lánh vào chỗ tối, cần cẩn trọng hơn với mèo dại vì chúng rất nguy hiểm.

Quan trọng nhất là người dân nên tránh tiếp xúc, sờ chó lạ hoặc chó có tính tình khác thường là biện pháp phòng bệnh dại từ xa. Ngay khi bị chó, mèo cắn, các bác sĩ hướng dẫn nên sát trùng vết cắn ngay lập tức bằng cồn 700 hoặc cồn Iod đậm đặc. Nếu không có cồn nên rửa sạch vết cắn bằng nước xà phòng đậm đặc nhiều lần, đưa ngay người bị chó cắn để đội y tế dự phòng địa phương khám và tiêm ngừa càng sớm càng tốt. Ngoài ra, cần tránh sử dụng những bài thuốc nam để điều trị, vì ngoài vaccine và huyết thanh kháng dại không có thuốc điều trị được bệnh dại.

Do khi người đã mắc bệnh dại không có cách nào để chữa trị nên để ngăn ngừa bệnh dại và những cái chết thương tâm trong cộng đồng, người dân nuôi chó, mèo cần phải đăng ký với UBND cấp xã, tại đô thị, nơi đông dân cư, xích, nhốt hoặc giữ chó, đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xung quanh.

Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng hoặc khóp mõm và có người dắt. Chó, mèo từ 3 tháng tuổi trở lên phải tiêm phòng bắt buộc vaccine phòng dại (1 lần/năm), không để chó thả rông ngoài đường, nơi công cộng. Khi chó cắn người, chủ nuôi phải nhốt cách ly và báo cho cơ quan thú y gần nhất để theo dõi.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virus thuộc họ Rhabdoviridae gây ra, gặp ở nhiều loài động vật và ở người. Con vật bị bệnh lúc đầu thường điên cuồng, cắn xé đồ vật, những con vật khác hoặc người và truyền bệnh qua những vết cào, vết cắn. Trước khi chết, con vật bị bệnh thường chuyển sang thời kỳ bại liệt. Nguồn bệnh từ các loài thú ăn thịt hoang dã và súc vật nuôi trong nhà (chó, chó sói, cáo, chồn, mèo…) đều có thể là ổ chứa virus dại. Những súc vật khác như: trâu, bò, heo, thỏ, sóc, chuột… có thể bị nhiễm virus dại (hiếm gặp). Ở Việt Nam, nguồn bệnh dại chủ yếu là từ chó, mèo.

 

Bài ảnh: NGỌC GIANG