Khẩn trương ứng phó lũ ở Tri Tôn

31/08/2018 - 06:45

 - Áp lực nước lên cao trên kênh Vĩnh Tế đã khiến một số đoạn đê sản xuất (SX) lúa ở vùng biên giới Lạc Quới, Vĩnh Gia (Tri Tôn) bị tác động mạnh, nhiều nơi bị nước đánh bật bởi nền đất yếu (phần lớn do người dân đắp đê SX tự phát). Ở các khu vực nội đồng Tri Tôn, công tác ứng phó lũ cũng khẩn trương, quyết liệt.

Thiệt hại do sản xuất… liều

Khoảng 1 tuần nay, những hộ SX ở vùng đê bao tự phát ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Gia), đoạn cặp đường lên biên giới gạch Cầu Dài như ngồi trên đống lửa, khi áp lực nước kênh Vĩnh Tế lên cao, đoạn đê 1.500m liên tục xuất hiện nhiều điểm rò rỉ. Ngày 27-8, hàng trăm người dân cùng lực lượng công an, quân sự, biên phòng đóng trên địa bàn xã Vĩnh Gia, lực lượng tăng cường của Huyện đội Tri Tôn đã rất vất vả gia cố, đóng cọc, đắp bao cát… mới khống chế được 3 điểm bị vỡ đê (chiều dài bị vỡ từ 2-3m/điểm). Tuy nhiên, khoảng 1 giờ 30 phút sáng 28-8, áp lực nước lại tiếp tục làm vỡ bờ bao với chiều dài 3-4m. Nhờ phân công lực lượng ứng trực, chính quyền địa phương và người dân ngay lập tức phát hiện, tập trung lực lượng gia cố. Tuy nhiên, do nước lũ chảy quá mạnh khiến đoạn bờ bao bị vỡ rộng ra thêm khoảng 20m, tràn vào cánh đồng 150ha còn khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch.

“Các lực lượng và người dân dốc toàn lực đóng cọc, gia cố lại đê bao, vừa khẩn trương bơm nước ra, vừa vận động và hỗ trợ người dân thu hoạch để vớt vát lại phần nào thiệt hại” - ông Phạm Hoàng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Gia thông tin.

Khẩn trương gia cố đê bảo vệ lúa

Theo UBND xã Vĩnh Gia, những đoạn bị vỡ thuộc tiểu vùng do người dân tự phát đắp đê SX, không nằm trong quy hoạch các tiểu vùng SX 3 vụ của xã. Nguyên nhân vỡ do đê thấp, nền đất yếu, sử dụng đất pha cát.

“Dù biết nằm ngoài quy hoạch làm lúa 3 vụ nhưng thấy nhiều năm lũ nhỏ, bà con đã tự liên kết lại làm bờ bao để SX thêm vụ lúa thu đông. Khoảng 2 tuần nay, lũ từ Campuchia đổ về rất mạnh, nước dưới kênh Vĩnh Tế lại lên nhanh khiến bà con không kịp ứng phó. Dù bà con trong khu vực đã đầu tư hơn 130 triệu đồng để thuê cơ giới gia cố đê bao nhưng vẫn không chịu nổi. Gia đình tôi gần như mất trắng 150 công lúa, thiệt hại hơn 300 triệu đồng vốn đầu tư” - ông Mai Văn Lành (ngụ ấp Vĩnh Cầu) than thở.

Tương tự, vụ này gia đình ông Nguyễn Văn Minh thuê 10 công đất SX lúa thu đông. Thấy lũ ập đến, gia đình ông chỉ kịp thuê người thu hoạch chạy lũ được 6 công, còn 4 công thì mất trắng. Do lúa bị ngập lũ nên cũng chỉ bán được 1.800-2.000 đồng/kg.

Tập trung ở những đoạn đê xung yếu

Đối với những vùng SX trong quy hoạch, có đê bao bảo vệ vững chắc, nguy cơ bị ảnh hưởng lũ cũng rất lớn. Điển hình như tiểu vùng 150ha SX lúa 3 vụ cặp tuyến N1 ấp Vĩnh Phú (xã Lạc Quới), chiều 25-8 đã xảy ra sự cố xì miệng cống khiến áp lực nước từ kênh Vĩnh Tế đổ vào. Phải đến tối cùng ngày, chính quyền địa phương cùng người dân mới khắc phục xong sự cố, bảo vệ an toàn cho 150ha lúa thu đông còn khoảng 1 tháng nữa mới thu hoạch.

Sau khi đi khảo sát các tuyến đê xung yếu trên địa bàn các xã: Vĩnh Gia, Lạc Quới, Lương An Trà, Vĩnh Phước... ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn thông tin: “Lũ năm nay về sớm hơn mọi năm gần cả tháng, mực nước rất cao và đã làm vỡ một số đoạn đê bao lửng thuộc vùng SX ngoài đê bao. Tính đến nay, lũ đã gây thiệt hại 720ha lúa, với tỷ lệ trên 70%. Huyện đang tập trung máy cơ giới, gia cố các tuyến đê xung yếu trên địa bàn xã Vĩnh Gia, Lạc Quới... để bảo vệ trên 2.000ha lúa đang trong giai đoạn đòng, trổ. Riêng những cánh đồng lúa nằm trong vùng đê bao không đảm bảo, địa phương vận động người dân thu hoạch sớm, chạy lũ”.

Theo kế hoạch, ngày 31-8, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang sẽ vận hành xả đập Trà Sư và Tha La (Tịnh Biên). Khi đó, áp lực nước trên kênh Vĩnh Tế sẽ giảm xuống, tạo thuận lợi cho nông dân canh tác lúa ngoài đê bao bờ Bắc kênh Vĩnh Tế (Lạc Quới, Vĩnh Gia) thu hoạch lúa chạy lũ. Tuy nhiên, khu vực phía dưới đập nước sẽ dâng lên 10-20cm, đòi hỏi công tác ứng phó càng khẩn trương, quyết liệt.

Theo Sở NN&PTNT, trong những vùng SX có khả năng ảnh hưởng lũ, Tri Tôn chiếm nhiều nhất, với 42 tiểu vùng SX vụ thu đông theo kế hoạch, diện tích 4.974ha (lúa 4.815ha, màu 162ha); 36 tiểu vùng đê bao tháng 8 với diện tích 7.881ha. TP. Long Xuyên có 10 tiểu vùng đê bao tháng 8 với diện tích 325ha bị ảnh hưởng

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN