Khẳng định thế chủ động tại Trung Đông

14/10/2019 - 20:02

Chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới hai quốc gia Trung Đông Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ ngày 14-10 được đặc biệt chú ý trong bối cảnh tình hình Syria nói riêng và Trung Đông nói chung đang diễn biến phức tạp sau sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân tấn công lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria.

Vai trò và tầm ảnh hưởng đáng kể của LB Nga tại Trung Đông trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là việc hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad “trụ vững” để dần bình ổn tình hình đất nước cũng như thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, đang khiến dư luận hướng tới như Nga một quốc gia có khả năng tháo gỡ nút thắt cho những vấn đề còn tồn tại trong khu vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (trái) tại cuộc gặp bên lề Hội nghị G20 ở Buenos Aires, Argentina, ngày 1-12-2018. Ảnh: AFP-TTXVN

Có thể nói Nga đã và đang ngày càng thể hiện vai trò của một đối tác quan trọng ở Trung Đông thông qua chiến lược chủ động, can dự tích cực vào các vấn đề khu vực trong nhiều năm qua. Nếu thời điểm Nga triển khai lực lượng quân sự tại Syria vào tháng 9-2015 để hỗ trợ Damascus chống khủng bố theo yêu cầu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, các chuyên gia thận trọng khó có thể đưa ra những đánh giá lạc quan về “bước chuyển” trong chính sách đối ngoại của Nga, thì hiệu quả của chiến dịch không kích chống khủng bố này đã rõ ràng giúp Nga củng cố vị thế vững chắc ở Trung Đông.

Từng bước, với hỏa lực không quân, hải quân hùng hậu, chiến thuật quân sự khôn ngoan, cùng với các bước đi ngoại giao uyển chuyển, sự hậu thuẫn của Nga đã giúp Chính phủ Syria dần dần chiếm ưu thế trên thực địa, nắm lại quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ lớn, lần lượt giành lại các thành phố trọng yếu, đánh đuổi lực lượng khủng bố IS, góp phần đưa đất nước Syria đi vào ổn định.

Ngay tiếp đó là bước điều chỉnh chính sách “nhất cử lưỡng tiện” một cách khôn ngoan, khi cùng với tuyên bố đánh bại IS tại Syria vào tháng 12-2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chỉ thị bắt đầu rút lực lượng chiến đấu khỏi Syria, một bước đi vừa tránh được nguy cơ Nga bị “sa lầy” trong vấn đề Syria, vừa giúp Moskva có điều kiện thể hiện vai trò “trung gian hòa bình”.

Nga đã trở thành một đối tác trung gian tích cực thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria thông qua cơ chế đàm phán Astana với sự tham gia của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, cơ chế đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Nếu như phương Tây trước đây khăng khăng đòi Tổng thống Bashar al-Assad phải từ chức mới xúc tiến các cuộc đàm phán hòa giải ở Syria, thì nay yêu sách đó ít được nhắc tới hơn, cộng đồng quốc tế thiên về giải pháp sửa đổi hiến pháp và tiến hành một cuộc bầu cử tự do, công bằng ở Syria theo quan điểm của chính quyền nước này cũng như Nga.

Chiến lược can dự và cách tiếp cận khá cân bằng và khéo léo của Nga đối với tình hình Syria không chỉ làm thay đổi cán cân lực lượng và cục diện địa chiến lược ở Trung Đông và còn đưa Moskva trở thành một đối tác chủ chốt đáng tin cậy tại khu vực. Nói một cách khác, Nga đang “xoay trục” khá thành công ở Trung Đông và Tổng thống Nga Putin đã thiết lập được mối quan hệ gần gũi với nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia chủ chốt ở khu vực này. Có thể liệt kê một loạt các hoạt động ngoại giao dồn dập liên quan đến Nga thời gian gần đây để thấy rõ ảnh hưởng đáng kể của nước này ở Trung Đông.

Đó là chuyến thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Nga hồi tháng 9-2019 với mục tiêu tìm kiếm sự phối hợp của Nga trong nhiều vấn đề nóng ở khu vực Trung Đông, gồm cả quan hệ với Palestine; Đó là sự hiện diện của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, nước đóng một vai trò to lớn trong đời sống chính trị Trung Đông, tại hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần đầu tiên sắp diễn ra ngày 24-10 ở Sochi... Với tiếng nói có trọng lượng, Nga hiện đang nắm giữ những cơ hội lớn để dàn xếp và giải quyết các vấn đề trong khu vực, và chuyến công du của Tổng thống Putin tới hai quốc gia chủ chốt tại Trung Đông lần này sẽ giúp Nga càng khẳng định vị thế.

Về mặt chính thức, chuyến thăm của Tổng thống Nga V. Putin từ ngày 14-10 nhằm tăng cường hợp tác với hai quốc gia chủ chốt ở Trung Đông là Saudi Arabia và UAE trong vấn đề điều tiết thị trường dầu mỏ, đồng thời cũng nhằm thu hút, mời gọi đầu tư từ khu vực này, đặc biệt là Saudi Arabia, tới Nga, trong bối cảnh Moskva đang tiếp tục bị phương Tây bao vây cấm vận. Tuy nhiên, trên thực tế, lãnh đạo Nga cũng Saudi Arabia và UAE còn nhiều vấn đề khác có thể đề cập, đặc biệt là những vấn đề còn tồn tại cũng như mối quan hệ phức tạp giữa các quốc gia Trung Đông và tình hình Syria…

Chỉ xét riêng vấn đề điều tiết thị trường dầu mỏ, hợp tác giữa Nga và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đặc biệt là thành viên chủ chốt Saudi Arabia, đã giúp hỗ trợ giá dầu trong suốt 19 tháng qua. Hai nước cũng đã tái khẳng định cam kết trong việc duy trì trần khai thác dầu. Bởi vậy, chuyến thăm lần này của Tổng thống Nga Putin còn làm dấy lên những đồn đoán về sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Nga với Saudi Arabia nói riêng, với OPEC nói chung trong việc điều tiết giá dầu vì lợi ích cả hai bên.       

Chuyến công du còn góp phần khơi thông thêm dòng vốn đầu tư mới vào nước Nga. Từ năm 2015, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) và Quỹ đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài và PIF đã phân bổ 10 tỷ USD để đầu tư vào các dự án với RDIF. Saudi Arabia hiện là một trong những bạn hàng mua lúa mì lớn nhất của Nga.

Xuất khẩu vũ khí cũng là lĩnh vực mà Nga chú trọng trong chuyến thăm nay. Vụ tấn công mới đây bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, khiến nước này phải giảm một nửa sản lượng khai thác, càng làm thay đổi quan điểm của các nước Trung Đông vốn lâu nay phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí từ Mỹ. Chỉ vài giờ sau các vụ tấn công này, công ty quốc doanh chuyên xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport đã đánh tiếng sẽ đàm phán với các nước Trung Đông về việc bán các hệ thống vũ khí mới chống máy bay không người lái (UAV) trinh sát và tấn công, cũng như các vũ khí tấn công trên không khác. Chuyến thăm được coi là cơ hội để Tổng thống Putin quảng bá hệ thống vũ khí chống UAV hiện đại của tập đoàn Nga Pantsir, vốn sẽ được Rosoboronexport giới thiệu tại triển lãm hàng không Dubai Airshow vào tháng 11.

Bên cạnh lợi ích địa kinh tế, những yếu tố địa chính trị tại khu vực Trung Đông cũng là mục tiêu chiến lược ưu tiên của Moskva. Nga hiện duy trì quan hệ khá thân thiện với các bên đối địch ở Trung Đông và đây được xem là lợi thế có thể giúp Moskva trở thành “cầu nối” đối thoại cho nhiều bên. Trong khuôn khổ tuần lễ năng lượng Nga mới đây, Tổng Thư ký OPEC, ông Mohammed Barkindo đã ngỏ ý rằng Tổng thống Putin sẽ giúp giải quyết các bất đồng giữa Iran và Saudi Arabia để ổn định thị trường dầu mỏ. Xét trên mọi khía cạnh, Moskva có cơ hội hơn hẳn các nước khác khi đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran, hai nước lớn đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông. Quan hệ giữa Nga với Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng là yếu tố được tính tới khi căng thẳng giữa Damacus và Ankara leo thang, thậm chí Moska được cho có thể vừa đối thoại được với Thổ Nhĩ Kỳ vừa thương lượng được với người Kurd.

Nếu coi Syria và Trung Đông là khu vực quan trọng để Nga thể hiện sức mạnh và khẳng định ảnh hưởng, có thể thấy chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga tới Saudi Arabia và UAE lần này là một cơ hội nữa để Nga tiếp tục mở rộng vai trò của mình ở Trung Đông. Bên cạnh đó, các bước điều chính chính sách của Nga ở Trung Đông cho thấy sự tự tin ngày càng tăng của ông Putin trong việc cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại khu vực, thể hiện rằng Nga không chỉ xác lập được vị thế quan trọng mà còn đang giữ thế chủ động trong nhiều vấn đề Trung Đông

Theo DUY TRINH (Báo Tin Tức)