Khi nào phải thu hồi sổ hộ khẩu?

08/07/2019 - 07:27

 - Bị Công an xã thu hồi sổ hộ khẩu đã cấp, bà Lợi Thị Của (ngụ ấp Tân Phú, xã Phú Lâm, Phú Tân) phát sinh khiếu nại, cho rằng cách làm này là bất hợp lý. Như vậy, khi nào cơ quan có thẩm quyền được phép thu hồi sổ hộ khẩu?

Theo trình bày của bà Của, khi cha bà (Lợi Văn An) còn sống, ông làm di chúc để lại cho bà 1 căn nhà (hiện bà đang ở), do bà sống chung với cha từ nhỏ và chăm sóc cha. Tuy nhiên, căn nhà để làm phủ thờ ông bà, cha mẹ thì không được sang bán, chuyển nhượng; anh em nào không có nhà được quyền về ở chung. Căn nhà có diện tích 117m2, nhưng bà đã cho người anh (Lợi Hữu Có) 30m2 để làm đường đi ra phía sau nhà máy của ông Có, bà chỉ còn 87m2.Vài năm sau khi cha qua đời, ông Có cùng mấy anh em khác khiếu kiện đòi chia tài sản. Đơn do một người anh khác của bà (Lợi Văn Trong) là nguyên đơn. Hiện tại, Tòa án nhân dân (TAND) huyện đang thụ lý hồ sơ, nhưng đã khá lâu vẫn chưa đưa ra xét xử.

Khi nào phải thu hồi sổ hộ khẩu?

Bà Của trình bày vụ việc

“Căn nhà và hộ khẩu vẫn còn do cha tôi đứng tên. Khi qua Campuchia sinh sống, làm ăn (từ năm 1979), người anh Lợi Văn Hưởng mang theo sổ hộ khẩu luôn. Lúc bấy giờ, vì không biết ông Hưởng đã mang đi, cứ nghĩ hộ khẩu đã mất, nên tôi đã làm tờ cớ mất, được cấp lại sổ hộ khẩu mới vào năm 2011 để hàng tháng lãnh tiền cho cha tôi (trợ cấp người già). Khi ông Hưởng trở về sống chung trong nhà, tôi biết được ông Hưởng còn giữ sổ hộ khẩu. Sau đó, Công an xã Phú Lâm thu hồi hộ khẩu của tôi, cho rằng đó là hộ khẩu giả. Hộ khẩu do công an cấp, chứ tôi làm sao có được, mà cho là giả? Tôi không đồng ý việc thu hồi, bởi khi cha mẹ mất, tôi đều khai tử từ hộ khẩu đó; hàng tháng lãnh trợ cấp cũng sử dụng sổ hộ khẩu. Ngoài ra, tôi yêu cầu TAND sớm giải quyết việc tranh chấp tài sản căn nhà này, để tôi được yên ổn làm ăn, ổn định cuộc sống” - bà Của đề nghị.

Ông Hưởng cho biết: “Hộ khẩu là do cha tôi đứng chủ hộ, tôi vẫn còn tên trong hộ khẩu của cha. Khi tôi đi làm ăn xa, hộ khẩu vẫn để ở nhà, không hiểu sao lại có hộ khẩu thứ 2, nên việc Công an xã thu hồi hộ khẩu đã cấp sau là đúng. Còn về căn nhà thì TAND đang thụ lý đơn để giải quyết chia di sản thừa kế do cha mẹ để lại, cá nhân bà Của không có quyền định đoạt phần tài sản này”.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm Trần Hữu Sang, cho biết, trong anh em bà Lợi Thị Của xảy ra rất nhiều tranh chấp, địa phương nhiều lần hòa giải xong, kể cả tranh chấp đất với hộ hàng xóm. Hiện nay, TAND huyện đang tiếp nhận đơn khởi kiện phân chia tài sản, nhưng do gia đình anh em bà Của chưa hoàn tất thủ tục theo yêu cầu của tòa án nên tòa án chưa thụ lý hồ sơ giải quyết. Còn vấn đề khiếu nại có liên quan đến công an, Công an xã đã trả lời cụ thể đến bà Của được rõ, trên cơ sở đã tham mưu xin ý kiến Công an huyện hướng dẫn, giải quyết đúng theo quy định.

Ngày 17-5, Công an xã ban hành công văn trả lời đơn cho bà Của. Bà Của yêu cầu xóa đăng ký thường trú của ông Lợi Văn Hưởng (sinh năm 1965) và con trai ông Hưởng (Lợi Phước Năng, sinh năm 1994), lý do đã đăng ký hộ khẩu thường trú ở Campuchia; yêu cầu xóa đăng ký thường trú của Mai Đức Thiện (con bà Của, sinh năm 1990), lý do đang làm ăn, sinh sống ở Cần Thơ. Qua đối chiếu tàng thư hồ sơ hộ khẩu tại Công an huyện Phú Tân, ông Hưởng và Năng có hồ sơ đăng ký thường trú đúng theo quy định của Luật Cư trú. Cùng với trường hợp của cha con ông Hưởng, không thể xóa đăng ký thường trú của Thiện. Căn cứ Khoản 1, Điều 22 (xóa đăng ký thường trú) của Luật Cư trú 2007: “Người thuộc một trong các trường hợp sau thì bị xóa đăng ký thường trú: chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc chết; được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; đã có quyết định hủy đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của luật này; ra nước ngoài định cư; đã đăng ký ở nơi cư trú mới, trong trường hợp này cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ”.

Riêng trường hợp của Lợi Đức Duy (sinh năm 1985, cháu bà Của) đã chuyển hộ khẩu và đăng ký vào hộ khẩu của cha mẹ ruột số 54 ấp Tân Phú (xã Phú Lâm), vì vậy, Công an xã làm hồ sơ xóa đăng ký thường trú. Ngoài ra, bà Của còn yêu cầu ông Hưởng giao trả sổ hộ khẩu cũ của ông Lợi Văn An làm chủ hộ. Công an xã đã đối chiếu tàng thư hộ khẩu tại Công an huyện Phú Tân, thì sổ hộ khẩu số 010.086.234 (hồ sơ hộ khẩu số 340 ấp Tân Phú, xã Phú Lâm do ông An làm chủ hộ) cấp đổi ngày 2-1-2010 do ông Hưởng tạm giữ. Còn sổ hộ khẩu số 010.172.061234 (hồ sơ hộ khẩu số 340 ấp Tân Phú, xã Phú Lâm do ông An làm chủ hộ) cấp lại ngày 4-1-2011 do bà Của tạm giữ, không có hồ sơ cấp lại sổ tại tàng thư Công an huyện Phú Tân. Trường hợp sổ bị mất sẽ được cơ quan công an có thẩm quyền cấp lại, nhưng khi phát hiện ra sổ hộ khẩu cấp lần đầu vẫn còn thì cơ quan công an có thẩm quyền sẽ thu hồi sổ cấp lại. Căn cứ Nghị định số 31/2014 ngày 18-4-2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú và Thông tư số 35/2014 ngày 9-9-2014 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú, Công an xã Phú Lâm thu hồi lại và hủy sổ hộ khẩu số 010.172.061 do bà Của tạm giữ là đúng quy định.

Bài, ảnh: K.N