Khi người lính trở về

05/03/2019 - 07:31

 - Rời quân ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh Lê Hoàng Nhi (sinh năm 1955, khóm An Hòa B, thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn) mang trong người bầu nhiệt huyết của người lính. Chú Nhi phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu với mô hình canh tác nông nghiệp trên vùng đất núi và tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Đi lên từ 2 bàn tay trắng

Thăm gia đình chú Lê Hoàng Nhi, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí vươn lên và nghị lực vượt qua mọi khó khăn của người cựu chiến binh. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1973, chú Nhi lên đường nhập ngũ. Sau 8 năm, 6 tháng phục vụ trong lực lượng công an vũ trang (nay là bộ đội biên phòng), hành trang trở về là chiếc ba lô và 2 bàn tay trắng. “Cuộc sống lúc mới rời quân ngũ vô cùng khó khăn. Cha tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh năm 1968. Mẹ bị bắt tù đày, quản thúc đến năm 1975 mới được thả nên không có của cải gì để lại cho các con. Trong lúc khó khăn, tôi quyết định lên Ô Sìn (xã Lê Trì, Tri Tôn) khai hoang đất núi, trồng su và cây ăn trái trên diện tích khoảng 3.000m2 theo hình thức lấy ngắn nuôi dài” - chú Nhi nhớ lại.

Chú Lê Hoàng Nhi là cựu chiến binh gương mẫu

Nhờ chí thú làm ăn, tích góp, năm 1996, chú Nhi mua thêm được 1ha đất trên vùng núi này trồng chuối, cây ăn trái và cây tóc. Ngày tháng trôi qua, đất không phụ lòng người, những vất vả lâu nay được đền đáp, hiện nay gia đình chú có hơn 10ha đất khu vực núi Dài, trồng các loại cây ăn trái như: xoài, điều, mít, dó bầu… Gia đình chú hiện đang đẩy mạnh sản xuất cây dó bầu cấy trầm nhân tạo và tạo ra được nhiều loại sản phẩm khác nhau, được thị trường chấp nhận. Hiện nay, kinh tế gia đình chú Nhi đã ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn và có việc làm.

Theo tiếng gọi con tim

Mọi người nhớ đến chú Lê Hoàng Nhi không chỉ ở sự vượt khó vươn lên, mà còn nhắc đến chú như một con người sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng. Khi địa phương phát động phong trào, chú Nhi đều nhiệt tình tham gia, đặc biệt là việc vận động người dân xây dựng tuyến đường bê-tông lên Ô Sìn dài trên 3.000m và xây dựng cầu Dân Lập dài trên 30m, với tổng kinh phí trên 900 triệu đồng, gia đình chú đóng góp gần 80 triệu đồng.

Nhớ lại việc xây dựng đường lên Ô Sìn, chú Nhi cho biết, đây là khu vực bà con canh tác nông nghiệp rất nhiều, chủ yếu trồng các loại cây ăn trái như: xoài, mít, dâu... Đến thời điểm thu hoạch, người dân phải gánh nông sản từ đỉnh Ô Sìn xuống chân núi, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn. Thấy vậy, chú Nhi và những người cùng chí hướng thành lập Ban vận động, tổ chức quyên góp kinh phí mở đường lên núi. Công việc bắt đầu từ năm 2012 đến năm 2014 mới hoàn thành trong niềm vui khôn xiết của bà con nông dân. Bắt đầu từ đây, nông sản được vận chuyển dễ dàng hơn bằng xe gắn máy, chi phí thấp hơn rất nhiều so với trước. Còn việc xây dựng cầu Dân Lập, chú Nhi chia sẻ: “Trước đây, khu vực cầu Dân Lập là cái ô. Mùa khô, người dân đi lại bình thường, nhưng khi mùa mưa đến, khu vực này thường ngập nước nên người dân phải xắn quần để đi qua. Thấy người dân đi lại khó khăn nên ba vợ tôi mới đứng ra mua đal để xây dựng cầu tạm. Năm 2011, tôi quyết định vận động kinh phí của bà con để xây dựng cầu bê-tông. Hiện nay, xe 4 bánh có thể qua lại dễ dàng” - chú Nhi thật tình. “Việc thành lập Ban vận động là dựa trên quyền lợi chính đáng của người dân. Các thành viên chủ chốt do chính người dân bầu ra. Các nguồn quỹ vận động được công khai minh bạch rõ ràng, mỗi công trình xây dựng xong đều do dân kiểm tra… Chính quyền địa phương đóng vai trò giám sát, nhờ vậy, mỗi khi vận động xây dựng các công trình xã hội nào cũng được người dân nhiệt tình hưởng ứng” - chú Nhi chia sẻ.

Ở tuổi 64, đáng ra phải nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già nhưng chú Lê Hoàng Nhi cho biết sẽ tham gia công tác xã hội đến khi nào sức khỏe không cho phép. Chú Nhi tâm sự: “Người dân Ba Chúc trước đây phải chịu nhiều nỗi đau từ chiến tranh, từ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cho đến nạn diệt chủng Pol Pot. Cuộc sống người dân vô cùng khó khăn. Do đó, khi đã có được cuộc sống ổn định, bản thân tôi mong muốn đóng góp một phần sức mình để chia sẻ nỗi cực khổ của người dân”.

Với những thành tích cũng như đóng góp trong công tác xã hội ở địa phương, chú Lê Hoàng Nhi được bình xét là hội viên gương mẫu làm kinh tế giỏi trong nhiều năm liền. Đồng thời, chú Nhi còn được tặng nhiều giấy khen và kỷ niệm chương từ Hội Cựu chiến binh Việt Nam

 

Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN