Khiếu nại tự dưng bị mất quyền lợi hợp pháp

12/11/2019 - 08:21

 - Ông Phạm Vu Bal (sinh năm 1984, ngụ ấp Phú Vinh, thị trấn Chợ Vàm, Phú Tân) khiếu nại Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp vừa qua không đưa gia đình ông tham gia tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xem xét, giải quyết đến vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), gây thiệt hại nặng nề cho vợ chồng và 2 con ông.

Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, ông Phạm Vu Bal cho biết, năm 1970, mẹ ông (bà Phan Thị Hiệp) thuê diện tích 10mx15m đất của ông Phan Văn Út với giá 2.000 đồng/năm, trị giá gần 2/3 giá thực tế của nền nhà. Đến khi mẹ ông chuẩn bị cất nhà, người chủ đất yêu cầu bà phải đặt tiền cọc 20.000 đồng, sẽ được cho ở lâu dài. Do không lo nổi số tiền lớn, cha mẹ ông buộc phải bán đến 26.000m2 đất ruộng đang canh tác. Nhận được số tiền, ông Út có làm giấy biên nhận để chứng thực. Sau đó ông Út chết, giao tài sản lại cho người cháu tên Phạm Văn Hiếu (kêu bằng cậu), trong đó có luôn phần đất của gia đình ông đang ở. “Đến năm 1999, trong khi gia đình tôi đang sống ổn định ông Hiếu buộc mẹ tôi đóng thêm 50.000 đồng mới cho ở. Mẹ tôi không đồng ý. Bà đưa tờ giấy trước đây ông Út ký nhận tiền để làm chứng coi như đã mua đất. Tuy nhiên, vừa nhận tờ giấy biên nhận ông Hiếu liếc ngang xem, rồi xé bỏ để phi tang” - ông Phạm Vu Bal phản đối. Đến năm 2001, ông Phạm Văn Hiếu khiếu nại đến UBND thị trấn Chợ Vàm yêu cầu bà Hiệp trả thêm số tiền 50.000 đồng mới cho ở tiếp tục. Nhận được 50.000 đồng, ông Hiếu nói nếu có ai đòi nền nhà thì người đó sẽ trả lại giá trị 26.000m2 đất ruộng cho bà Hiệp.

Ông Phạm Vu Bal trình bày về sự việc

Sau ngày ông Hiếu chết, các con ông yêu cầu bà Hiệp dỡ nhà, trả lại đất đã sống nửa thế kỷ. Họ nói hỗ trợ 15 triệu đồng cho mẹ con bà Hiệp di dời nhà để tìm chỗ ở. Gia đình bà Hiệp không đồng ý và họ làm đơn khởi kiện vụ việc đòi QSDĐ đến TAND huyện Phú Tân đối với bà Hiệp. Tại phiên tòa dân sự sơ thẩm ngày 30-5-2019 của TAND huyện Phú Tân, chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là các con ông Phạm Văn Hiếu; buộc bà Phan Thị Hiệp tháo dỡ căn nhà, trả diện tích 52,2m2 đất cho nguyên đơn. Tòa án ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ 15 triệu đồng của nguyên đơn và cho bị đơn lưu cư thời gian 6 tháng. Bà Phan Thị Hiệp kháng cáo đến TAND tỉnh An Giang. Cuối tháng 10-2019, tại phiên dân sự phúc thẩm giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm số 161/2019/DS-ST ngày 30-5-2019 của TAND huyện Phú Tân do không có nội dung, tình tiết mới. Ông Phạm Vu Bal cho biết: “Cha tôi chết đã khá lâu, nhà nghèo, 6 anh em đều làm mướn, phần nhiều không có chỗ ở. Riêng vợ chồng tôi và 2 con sống với người mẹ đã mấy mươi năm. Khi xem xét, xử lý về sự việc nói trên nhưng địa phương và TAND cả 2 cấp không hỏi bất cứ ý kiến gì đối với vợ chồng tôi. Đặc biệt, tòa án cũng không xem xét đưa chúng tôi vào diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo luật định. Bị tước quyền lợi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của vợ chồng và 2 con tôi đang đi học. Hiện tôi không có nơi ở, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết cho được giữ lại căn nhà đang ở để sinh sống”.

Tìm hiểu vụ việc trên được biết, vào năm 2002 bà Phan Thị Hiệp (74 tuổi) đã  được UBND huyện Phú Tân xem xét cấp cho căn nhà gắn liền đất ở khu dân cư thị trấn Chợ Vàm, nhưng bà không vào ở mà cho các con sử dụng. Đối với diện tích 10mx15m, bà đã cho một người con cất nhà ở, nay bỏ trống do không được tiếp tục sử dụng. Theo hồ sơ hiện trạng đất 2.197m2 do UBND huyện Phú Tân cấp QSDĐ cho ông Phạm Văn Hiếu có nhà đất của bà Phan Thị Hiệp. Căn nhà bà có diện tích 52,2m2 đất, vách xây tường, mái tole, cột, kèo bằng cây bạch đàn. Hiện nay, bà tiếp tục khiếu nại đến nhiều nơi.

Nói về việc này, luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư An Giang) cho biết: “Vụ án dân sự thường không chỉ có 2 bên (nguyên đơn và bị đơn) mà còn có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ việc. Họ là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc được các đương sự khác đề nghị, được tòa án chấp nhận đưa vào tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Đối với trường hợp  ông Phạm Vu Bal đã sống trên 30 năm, có hộ khẩu thường trú, không được tham gia tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bị thiệt thòi lớn. Đối với bản án phúc thẩm là có hiệu lực thi hành theo quy định”.

Bài, ảnh: N.R