Khó phân biệt tài sản tham nhũng và tài sản chưa xác định nguồn gốc

13/06/2018 - 09:09

Kê khai tài sản được coi là “bảo bối” để kiểm soát tham nhũng, nhưng việc thu hồi tài sản lại là vấn đề khó nhất của phòng chống tham nhũng. Làm thế nào để phân biệt tài sản tham nhũng và tài sản chưa xác định được nguồn gốc?


Hôm nay (13-6), Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. 

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thưa Thiên - Huế). Ảnh: V.H

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thưa Thiên Huế): Việc thu hồi tài sản tham nhũng liên quan tới nhiều luật và chính sách, đặc biệt lần này có quy định nếu kê khai tài sản không trung thực sẽ bị đánh thuế tài sản. Tôi đồng ý với phương án này của Chính phủ,  nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời.  

Muốn xử lý triệt để việc thu hồi tài sản tham nhũng phải đổi mới một số chính sách, đặc biệt là cơ chế xin cho, cơ chế quản lý thu nhập… những vấn đề này cần cả hệ thống luật. 

Thu thuế tài sản chưa xác minh nguồn gốc chỉ là giải pháp hạn chế, thu lại một phần tài sản của cá nhân kê khai không trung thực. Để quy định này kết nối với các quy định khác thì phải sửa đổi. Ví dụ Luật hành chính, hình sự không quy định thu thuế tài sản. Tuy nhiên, vấn đề thu thuế tài sản vẫn đang trong quá trình thảo luận. Thu 45% hoặc đánh thuế, đánh thuế như thế nào thì luật thuế phải điều chỉnh. 

Còn việc quy định thu 45% tài sản không rõ nguồn gốc là để khuyến cáo, nhắc nhở tính trung thực của những người kê khai tài sản. 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). Ảnh: V.H

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Kê khai tài sản được coi là “bảo bối” để kiểm soát tham nhũng. Có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này,  ví dụ kê khai hàng năm chỉ dừng lại ở mức giám đốc sở trở lên hoặc cán bộ trong phạm vi có nguy cơ cao về tham nhũng.  

Như vậy vẫn chưa đầy đủ, vì có những người chỉ ở mức trưởng, phó phòng nhưng vẫn có khả năng thực hiện được các hành vi tham nhũng. Đặc biệt là những người đang trong diện quy hoạch.  Vấn đề nữa là kê khai hàng năm thì đơn vị nào sẽ quản lý. 

Về vấn đề thu hồi tài sản, đây là vấn đề khó nhất của phòng chống tham nhũng. Phát hiện và thu hồi tài sản tham nhũng như thế nào?. Làm thế nào để phân biệt tài sản tham nhũng và tài sản chưa xác định được nguồn gốc. Phải quy định rõ những điều này. 

Hơn nữa, việc đánh thuế trên tài sản chưa xác minh được nguồn gốc là chưa có cơ sở và không thể đặt trong luật phòng chống tham nhũng. Vì nếu là thuế sản thì phải được đặt trong luật thuế. 

Luật phòng chống tham nhũng không phải là “con dao” duy nhất để cắt đứt “sợi dây” tham nhũng. Việc phòng chống tham nhũng cần đặt trong mối quan hệ với nhiều đạo luật khác, nhiều quy định khác và các cơ chế khách nhau. 

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội): Khi xây dựng Luật Phòng chống tham nhũng, cơ quan soạn thảo đã xem xét tất cả các thực trạng liên quan tới tham nhũng, trong đó có việc xem xét vấn đề tư duy nhiệm kỳ, bổ nhiệm người thân, lợi ích nhóm… về nguyên tắc của Luật phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Khi Luật ban hành thì yếu tố giám sát các hoạt động liên quan tới bổ nhiệm sẽ được nâng cao hơn. Yếu tố hậu kiểm trong việc bổ nhiệm sẽ nâng cao hơn.    

Theo H.V (Báo Tin Tức)