Khởi nghiệp từ mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái

12/03/2018 - 15:28

Trẻ tuổi, năng động, anh Võ Văn Lắm (SN 1992) ngụ ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) luôn tự tin sẽ thực hiện được ước mơ phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương mình.

A A

Anh Võ Văn Lắm áp dụng các biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cây trồng

Sinh ra và lớn lên tại xã cù lao Long Thuận, huyện Hồng Ngự, cuộc sống của anh Võ Văn Lắm từng gặp nhiều khó khăn. Anh kể mình chỉ học đến hết cấp 3, sau đó phải đi làm thuê đủ thứ nghề. Từ học sửa cây kiểng, làm lúa thuê cho đến làm thợ mộc, thợ hồ...

Anh Lắm chia sẻ, sống giữa rốn lũ mà làm giàu là ước mơ bao đời nay của người nông dân khi bà con chỉ có thể độc canh cây lúa. Bởi ngoài hai vụ lúa mỗi năm, lũ về bà con nông dân chỉ biết đánh bắt cá, săn chuột đồng mưu sinh. Không khuất phục trước số phận, đầu năm 2016, anh Võ Văn Lắm xin nghỉ làm thuê, trở về tìm hướng khai thác trên diện tích đất nhà.

Anh Lắm dày công tìm tòi học hỏi cách canh tác cây trồng như: bưởi, mận, ổi... theo hướng không sử dụng phân thuốc hóa học, kết hợp đón khách du lịch “miệt vườn”. Cùng với đó, anh Lắm học cách sử dụng máy tính, điện thoại di động lên mạng Internet tự tìm hiểu kỹ thuật canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Dạo một vòng quanh khu vực sản xuất với diện tích 7.000m2, anh Võ Văn Lắm say mê, chân chất giới thiệu về mô hình đa dạng hóa cây trồng của mình. Anh kể: “Hồi đó, đất nhà mình chủ yếu trồng bưởi nhưng thu nhập lại rất thấp. Thu hoạch bưởi xong, mình trồng thêm một số cây trồng khác. Khi không trồng bưởi nữa thì chuyển sang trồng tràm. Cứ sống theo kiểu “tới đâu hay tới đó” nên tự nhủ chắc có ngày phải đi Sài Gòn, Bình Dương kiếm sống, chứ thu hoạch thấp vậy không đủ nuôi sống gia đình”.

Nhờ tìm hiểu từ nhiều kênh khác nhau và với ý chí cần cù chịu khó, anh Võ Văn Lắm đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất đa canh khép kín trên toàn bộ diện tích đất vốn trước kia chỉ quanh quẩn với bưởi, ổi... Đầu tiên, với số vốn ít ỏi khoảng vài chục triệu đồng, anh Lắm dồn vào việc cải tạo lại toàn bộ diện tích sản xuất bằng hình thức cơ giới hóa. Theo đó, anh Võ Văn Lắm đắp bờ để trồng lại giống bưởi da xanh, ổi nữ hoàng. Quanh khu vực trồng bưởi, ổi, anh Lắm còn canh tác thêm mận. Trong thời gian bưởi còn nhỏ, anh trồng xen chuối, mãng cầu, đu đủ và các loại rau màu khác tùy theo từng vụ, từng thời điểm.

Điểm đặc biệt trong phương thức canh tác cây trồng của anh Võ Văn Lắm là không sử dụng bất cứ loại phân thuốc hóa học nào trong toàn bộ quá trình. Theo anh Lắm, trước tiên, cái lợi từ việc sản xuất không phân thuốc là bảo vệ được sức khỏe bản thân và gia đình. Ngoài ra, cách làm này cũng giúp người tiêu dùng tìm được nguồn nông sản sạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh Lắm đã thu mua lại các loại phân hữu cơ như: vỏ đậu, phân dê, phân bò... để bón cho cây trồng. Kết hợp sử dụng phân hữu cơ, anh còn áp dụng phương pháp bao trái, đồng thời áp dụng biện pháp phun nước với áp lực nước mạnh để loại trừ dịch hại trên cây trồng.

Thông tin với chúng tôi về hiệu quả từ mô hình canh tác xen canh cây trồng, anh Lắm phấn khởi cho biết: “Để chọn hướng khởi nghiệp từ một sản phẩm mình phải thực sự am hiểu nó và có bí quyết riêng để trụ vững trên thị trường đầy cạnh tranh. Mình phải tự tìm tòi cách canh tác cây trồng sao cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Chỉ tính riêng diện tích vài trăm mét vuông trồng xen chuối, mỗi tuần tôi bán được vài triệu đồng. Nhờ trồng bưởi, ổi mang lại thu nhập ổn định khoảng 90 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với trồng lúa”.

Hiện tại, sản phẩm bưởi da xanh, ổi nữ hoàng, mận của vườn nhà anh Võ Văn Lắm đã được nhiều khách hàng tại TP.Hồ Chí Minh, TP.Cần Thơ và trong tỉnh biết đến. Tiếng lành đồn xa, nhờ cảnh đẹp của vườn cây ăn trái xanh mát, thời gian qua vào ngày lễ, ngày Tết, chủ nhật... nhiều du khách từ TP.Hồ Chí Minh, TX.Tân Châu (An Giang)... tìm đến trang trại của anh Võ Văn Lắm để trải nghiệm vườn cây ăn trái.

Theo HOÀI MINH (Báo Đồng Tháp)