Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Vương Văn Thả

14/08/2018 - 06:52

 - Ngày 23-1, Tòa án nhân dân(TAND) tỉnh mở phiên tòa xét xử vụ án “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam” đối với Vương Văn Thả (sinh năm 1969, ngụ ấp Vĩnh Lịnh, xã Vĩnh Hậu, An Phú) cùng 3 đồng phạm. Không đồng ý mức hình phạt 12 năm tù, Vương Văn Thả làm đơn kháng cáo.

Theo hồ sơ vụ án, Vương Văn Thả theo đạo Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) nhưng để tạo thanh thế cá nhân, có thêm lợi nhuận, Vương Văn Thả thường xuyên lôi kéo, tụ tập nhiều người, thuyết giảng đạo trái phép.

Từ ngày 29 đến 31-1-2017, ngày 5, 6 và 23-3-2017, Vương Văn Thả sử dụng thiết bị tăng âm (amply, loa) để tuyên truyền lời lẽ bịa đặt, xuyên tạc, vu khống chính quyền đàn áp tôn giáo. Đồng thời, chỉ đạo Vương Thanh Thuận (con ruột) dùng điện thoại quay video clip việc làm của mình để phát tán lên mạng xã hội, nhằm đả kích, bôi nhọ lãnh tụ; kêu gọi ly khai khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam; kích động mọi người xuống đường biểu tình,…

 Bị cáo Vương Văn Thả tại phiên tòa phúc thẩm

Để đối phó với lực lượng chức năng, Vương Văn Thả lôi kéo, ép buộc bà Võ Thị Hai (82 tuổi, mẹ vợ), Lê Thị Lệ Hà (vợ), Vương Ngọc Thảo (con), cùng 2 cháu ngoại (12 tuổi và 4 tháng tuổi) không được ra khỏi nhà, còn Vương Văn Thả chuẩn bị can xăng, đe dọa nếu bị bắt giữ sẽ tự thiêu cả gia đình.

Vương Văn Thả chỉ đạo người nhà và các đồng phạm may cờ vàng ba sọc, quay video clip tuyên truyền, xuyên tạc… tiếp tục phát tán lên mạng; lôi kéo họ đăng ký tham gia “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời” thông qua Facebook. Sáng 30-4-2017, Vương Văn Thả treo cờ lên nóc nhà, dùng lời lẽ bôi nhọ, phỉ báng chính quyền.

Đến ngày 18-5-2017, sau nhiều ngày được động viên, giáo dục, Vương Văn Thả và đồng phạm vẫn không chấp hành, nên Công an tỉnh phối hợp chính quyền địa phương tổ chức bắt các đối tượng và thu giữ 1 lá cờ vàng ba sọc, thiết bị tăng âm, các video clip do Vương Văn Thả phát tán trên mạng, cùng nhiều hung khí.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7-8, bị cáo Vương Văn Thả vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Hội đồng xét xử chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo nhưng bị cáo không chấp nhận, đề nghị tự bào chữa cho mình.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao khẳng định: “Căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ, cho thấy bị cáo đã vi phạm pháp luật. TAND tỉnh An Giang xử bị cáo phạm tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” là có căn cứ, đúng pháp luật". Tự bào chữa cho mình, bị cáo Vương Văn Thả thừa nhận: “Có hành vi treo cờ ba sọc, phát tán trên mạng những lời nói xúc phạm đến Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Căn cứ các chứng cứ, lời trình bày của các bị cáo khác trong bút lục hồ sơ, cho thấy cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” là có căn cứ, đúng pháp luật. Tội danh được quy định tại Khoản 2, Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009. Bản thân bị cáo không phải là lần đầu tiên vi phạm pháp luật, mà nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính; năm 2013 bị TAND tỉnh An Giang xử phạt 3 năm tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Sau khi chấp hành xong hình phạt, bị cáo tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, đối với bị cáo, cần phải có mức án nghiêm cách ly khỏi XH một thời gian dài để cải tạo bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung. Tòa án cấp sơ thẩm khi lượng hình đã có xem xét về trình độ học vấn của bị cáo; hiểu biết pháp luật còn hạn chế; bị cáo bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, xúi giục.

Việc xử phạt 12 năm tù là đã xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Chính vì vậy, tòa án cấp phúc thẩm không có căn cứ, tình tiết gì đặc biệt để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Vì các lẽ trên, căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 355 Bộ Luật tố tụng Hình sự, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo Vương Văn Thả, giữ y án sơ thẩm số 11, ngày 23-1-2018 của TAND tỉnh An Giang. Thời hạn tù tính từ ngày 18-5-2017; tiếp tục giam bị cáo để đảm bảo thi hành án và quản chế bị cáo 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt”.

Bài, ảnh: K.H