Không chủ quan với dịch hại vụ đông xuân

15/02/2019 - 07:35

 - Đó là tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư sau khi khảo sát thực tế, kiểm tra tình hình sản xuất lúa và phòng, chống dịch hại, ứng phó khô hạn… ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, xã cùng cán bộ, kỹ thuật viên nông nghiệp được yêu cầu phải “quên Tết”, bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch sản xuất, bảo đảm thắng lợi vụ đông xuân.

Kiểm tra sản xuất vụ đông xuân ở Phú Tân

Nỗi lo ở những vùng xuống giống muộn

Qua kiểm tra thực tế của đoàn công tác tỉnh ở huyện Phú Tân cho thấy, trong 23.855ha lúa, nếp đã xuống giống trên địa bàn huyện (nếp chiếm 75,9% diện tích), có 3.041ha đang ở giai đoạn mạ, 6.523ha đẻ nhánh, làm đòng 7.204ha và trổ 7.087ha. Nhìn chung, các giai đoạn lúa, nếp trên địa bàn huyện sinh trưởng chậm hơn mặt bằng chung của tỉnh nên nguy cơ bị dịch bệnh rất lớn. “Cần lưu ý rằng, nếp là một trong những giống có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Khi các địa phương khác thu hoạch xong, sâu bệnh, rầy nâu có thể dồn về Phú Tân. Đối với rầy nâu, bình quân mỗi tháng sẽ có 1 đợt rầy cám nở. Khảo sát thực tế trên nhiều cánh đồng cho thấy, đa phần nông dân sạ dày, tạo môi trường thuận lợi cho dịch bệnh phát triển nhiều hơn so với thiên địch. Huyện cần tập trung chỉ đạo, quản lý, tăng cường kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý dịch hại” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm lưu ý.

Thời điểm trước và trong Tết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang đã thường xuyên phối hợp với huyện Phú Tân kiểm tra tình hình rầy nâu và sâu bệnh trên lúa, tổ chức thăm đồng ngay cả ngày 30 Tết. Theo ghi nhận của huyện, từ ngày 31-1 đến 11-2-2019, trên địa bàn có 1.186ha bị rầy nâu gây hại (gây hại nhẹ 1.106ha, mật độ 750 - 1.500 con/m2; gây hại trung bình 80ha, mật độ 1.500 - 3.000 con/m2), sâu cuốn lá gây hại nhẹ 30ha (20 - 50 con/m2), đạo ôn lá nhiễm nhẹ 80ha (tỷ lệ 5 - 7%), lem lép hạt nhiễm nhẹ 80ha (tỷ lệ 5 - 10%), vàng lá chín sớm nhiễm nhẹ 276ha (tỷ lệ 10 - 15%). “Tình hình rầy nâu tạm ổn định, một số điểm nhiễm rầy trước Tết đã được lên nước và xử lý đạt hiệu quả 80%. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít diện tích cục bộ chưa đạt hiệu quả cao do nông dân phun chưa đúng kỹ thuật theo “4 đúng”. Đến nay, nước đã được đưa vào ruộng và nông dân tiếp tục xử lý. Đối với sâu cuốn lá, đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông và lem lép hạt có xuất hiện rải rác, vàng lá chín sớm đang bắt đầu xuất hiện nhiều ở trà lúa trổ - chín, ngành chuyên môn đã hướng dẫn nông dân tăng cường phòng trừ” - Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường thông tin.

Hỗ trợ ứng phó

Tại huyện Chợ Mới, dù phần lớn diện tích đã chuyển sang màu, cây ăn trái nhưng cũng sản xuất 14.119ha lúa đông xuân. Đây là vùng xuống giống lúa khá muộn, chiếm 1.617ha, đẻ nhánh 5.553ha, có 1.644ha bước vào giai đoạn làm đòng, 3.220ha trổ và 2.085ha ngậm sữa. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Vũ Minh Thao cho biết, qua thăm đồng, kiểm tra trước, trong và sau Tết cho thấy, có 1.179ha lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh. Trong đó có 751ha giai đoạn đẻ nhánh đến ngậm sữa bị nhiễm rầy nâu (chủ yếu nhiễm nhẹ), nhiễm bù lạch 16ha, sâu cuốn lá 142ha, đạo ôn 218ha (cấp độ nhẹ), chuột cắn phá 52ha… Nhờ nông dân tích cực phòng trừ nên diện tích bị nhiễm dịch hại hiện còn 396,6ha. Các ngành chuyên môn đang tiếp tục theo dõi và hướng dẫn nông dân phòng trừ. “Hiện tại, rầy đang tuổi 2 - 6 là rất đáng lo ngại. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thăm đồng thường xuyên, tổ chức hội thảo khuyến nông tại các xã để chia sẻ thông tin đến bà con, giúp nông dân chủ động quản lý sâu bệnh tốt hơn nhằm tránh xảy ra bộc phát thành dịch gây thiệt hại trên diện rộng” - ông Thao thông tin. Đồng tình với nỗi lo này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, sắp tới sẽ có đợt muỗi hành phát triển gây hại, đồng thời sẽ có 3 đợt rầy từ nay đến cuối vụ đông xuân. Việc thường xuyên theo dõi, chủ động phòng ngừa là rất cần thiết.

“Dự tính của tỉnh là sau khi khảo sát đồng ruộng, nếu tình hình nhiễm dịch hại nghiêm trọng sẽ ban bố tình trạng dịch bệnh để tập trung nguồn lực xử lý, dập dịch. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy, các địa phương đã tăng cường thăm đồng, chủ động các giải pháp phòng trừ nên tình hình được kiểm soát tốt, không cần thiết phải ban bố tình trạng dịch bệnh. Các ngành, địa phương không được chủ quan khi hiện nay, tình hình thời tiết vẫn phức tạp, nhiều tuyến kênh cạn kiệt, thiếu nước, treo đáy mùa khô, nguy cơ sâu bệnh tập trung gây hại ở những vùng thu hoạch muộn… Do vậy, vẫn phải tiếp tục chủ động theo dõi, xử lý dịch hại, thực hiện đồng bộ các giải pháp thủy lợi, dẫn nước tưới phục vụ sản xuất, đảm bảo an toàn cho vụ đông xuân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư lưu ý.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN