Không cơ sở xem xét bồi hoàn thành quả

12/02/2018 - 01:52

 - Thực hiện chủ trương tăng vụ vào năm 1989-1990, địa phương đã cấp lại đất sản xuất và bồi hoàn thành quả lao động cho người trong cuộc theo quy định. Do vậy, việc gia đình bà Nguyễn Thị Thu tiếp tục khiếu nại, yêu cầu hoàn trả thành quả lao động là không có cơ sở xem xét, giải quyết.

Trình bày với phóng viên Báo An Giang, bà Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1948, ngụ tổ 17, ấp Sơn Hòa, xã An Bình, Thoại Sơn) cho biết: “Thực hiện việc tăng vụ vào năm 1989-1990, UBND xã Vọng Đông (nay thuộc xã An Bình) đã trưng dụng 50 công đất của gia đình tôi và sau đó cấp lại 45 công đất ở một nơi khác. Tôi bồi hoàn thành quả lao động phần đất được cấp cho các chủ cũ theo quy định. Tuy nhiên, phần đất 50 công của tôi chỉ nhận được 16.778m2, còn hơn 33.000m2 đất còn lại không được xem xét, giải quyết bồi thường, dù tôi khiếu nại nhiều năm, nhiều nơi nhưng vẫn không có kết quả.

Con cháu tôi đã tứ tán đi kiếm sống, còn người chồng đang bệnh nằm một chỗ, phải tạm trú ở nhà con trai, sống lây lất qua ngày. Gia đình tôi kiến nghị Nhà nước xem xét việc bồi hoàn phần đất còn lại, hoặc trả một giá trị, hỗ trợ nền nhà ở khu dân cư để mưu sinh, cất nhà tá túc”.

Bà Nguyễn Thị Thu

Khi phóng viên tìm hiểu về sự việc, ông Phan Văn Năm (ngụ ấp Sơn Hòa) chia sẻ: “Lúc đó, phần đất của ông Phan Văn Tải (chồng bà Thu) có một số trưng dụng đào kênh để tăng vụ, còn một số diện tích dọc bờ kênh cấp, bán cho một số hộ dân cất nhà ở. Khiếu nại nói trên có từ lâu, được địa phương cũng như cấp huyện xem xét, xử lý. Gần đây, gia đình ông Tải gửi đơn yêu cầu bồi hoàn thành quả lao động, cũng như việc xin cấp nền nhà là do không có chỗ ở và hoàn cảnh đang khó khăn”.

Một cán bộ lâu năm thông tin: “Sau ngày vợ ông Tải chết vào năm 1974, ông kết hôn với bà Thu và sống đến nay. Gia đình ông Tải đông con, hoàn cảnh khó khăn, hầu hết đi lao động nhiều nơi để sinh nhai. Tôi biết hộ này vẫn còn một phần đất chưa được trả thành quả lao động vì nhiều lý do, trong đó có chính sách, quy định của pháp luật. Theo tôi, do hộ này đang gặp khó khăn về nhiều mặt, rất cần có sự xem xét thấu tình nhằm hỗ trợ một khoản giá trị có thể, giúp hộ này vực dậy trong cuộc sống”.

UBND xã An Bình cho biết: “Năm 1989-1990, thực hiện chủ trương tăng vụ, UBND xã Vọng Đông trưng dụng 50.000m2 đất của ông Tải, bà Thu đào kênh cấp 1, rồi cấp lại cho gia đình này 45.000m2 đất. Sau đó, khi điều chỉnh lại địa giới hành chính, phần đất nói trên thuộc về địa bàn xã Mỹ Phú Đông. Địa phương đã thực hiện việc bồi hoàn thành quả lao động giữa các bên, trong đó bà Thu đã nhận số lúa 267 giạ, của 32 hộ. Sau một thời gian, gia đình lại khiếu nại việc bồi hoàn thành quả.

Chúng tôi đã xem xét, giải quyết theo quy định của Luật Đất đai hiện hành và thực hiện chủ trương của UBND huyện. Vụ việc của bà Thu vừa qua đã được các ban, ngành, UBND huyện Thoại Sơn xem xét và có kết luận giải quyết cụ thể. Trong thực hiện an sinh xã hội, địa phương đã hỗ trợ cho các hộ, trong đó có gia đình bà Thu”.

Trả lời khiếu nại của gia đình bà Nguyễn Thị Thu yêu cầu được nhận thành quả lao động, UBND huyện Thoại Sơn cho biết: “Vụ việc của bà đã được UBND  huyện xem xét, giải quyết từ năm 1994. Đến năm 2014, UBND xã An Bình đã giải quyết vụ việc. Năm 2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã An Bình, các bộ phận liên quan đã vào cuộc làm rõ sự việc. Qua đó, thực hiện chính sách cải tạo ruộng đất để tăng diện sản xuất, Nhà nước trưng dụng 50.000m2 đất (trong đó nạo vét kênh cấp 1 khoảng 33.000m2) và đã cấp lại cho gia đình bà 45.000m2 đất.

Hiện các con ông Tải, bà Thu đang canh tác. Vào năm 1994, UBND huyện đã có quyết định buộc các chủ mới trả thành quả lao động cho bà Thu và hộ này đã nhận thành quả lao động. Qua nhiều lần xem xét, cho thấy việc khiếu nại của bà đã được giải quyết dứt điểm từ trước. Từ đó, yêu cầu của bà đến nay không có cơ sở để xem xét, giải quyết việc đòi thành quả lao động”.

Bài, ảnh: N.R