Không giao đất, lại sử dụng liên tục là vi phạm

31/01/2018 - 01:00

 - Bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng người phải thi hành án không thực hiện, liên tục nhiều năm liền sử dụng đất sản xuất. Hành vi này là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý về chiếm dụng đất trái phép.

Bà Nguyễn Thị Phụng (sinh năm 1957, ngụ ấp Hòa Phú, xã Định Thành, Thoại Sơn) trình bày: “Do kẹt tiền, khoảng năm 2000 tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Tư cùng xóm vay 5 chỉ vàng 24k, quy định lãi suất 1 chỉ vàng trả 1 phân vàng/tháng. Tôi lo tiền trả lãi được khoảng nửa năm, đi làm mướn xa để kiếm tiền, không trả lãi được. Sau đó, bà Tư nhập lãi vào vốn lên đến 15 chỉ vàng, thấy tôi không trả nổi, bà đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện.

Bản án buộc tôi phải trả cho bà Tư gần 17 chỉ vàng và 2 triệu đồng. Thấy vậy, anh, chị em và gia đình lo tiền, đến gặp bà Tư năn nỉ trả tiền để giữ đất nhưng bà Tư không đồng ý. Tôi vào ngân hàng đáo hạn, được biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của tôi bị huyện thu hồi, rồi sau đó đã đấu giá bán để thi hành bản án. Do 7 công đất của ông bà để lại là “nồi cơm” nuôi sống cả gia đình, tôi nhờ Nhà nước cho tôi được giữ lại đất, trả phần lớn số tiền, sau đó trả dần hoặc cho chuộc lại đất để sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Phụng

Phản hồi về yêu cầu của bà Phụng, bà Nguyễn Thị Tư cho biết: “Thấy chị Phụng nói không lo nổi tiền để đáo hạn ngân hàng, nên tôi cho mượn vàng sau nhiều lần chị đến nhà năn nỉ. Hai bên đã làm giấy tờ, điềm chỉ để làm tin, thỏa thuận mức lãi 30.000 đồng/1 chỉ vàng/tháng. Trả lãi được vài tháng, chị Phụng mượn thêm 2 triệu đồng, rồi sau đó không trả nữa và đi mất.

Do bị mất tài sản lớn, nhiều lần đòi tiền không được nên tôi đã khởi kiện ra TAND huyện. Ngày 14-4-2008, bản án buộc chị Phụng trả cho tôi 16,8 chỉ vàng 24k và 2 triệu đồng. Bản án có hiệu lực pháp luật nhưng đến mấy năm tôi mới nhận được số tiền từ cơ quan Thi hành án Dân sự huyện Thoại Sơn”.

Về vấn đề trên, ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Thoại Sơn cho biết: “Để thi hành Bản án số 43/2008/DS-ST của TAND huyện Thoại Sơn, chúng tôi thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định; tổ chức bán đấu giá 3.844m2 đất của bà Phụng để thi hành bản án.

Bà Hồ Thị Út đã đấu trúng giá từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được đất, do bà Phụng không chịu giao đất. Số đất đã bán còn một khoản tiền dư, chúng tôi gửi tiết kiệm số này cho gia đình bà Phụng. Tuy nhiên, nếu quá thời hạn 5 năm từ ngày ra thông báo cho bà Phụng biết, nếu đương sự không đến nhận tiền, sẽ bị sung vào công quỹ Nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Bà Hồ Thị Út (sinh năm 1960, ngụ ấp Tây Bình, xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) bức xúc: “Tôi là người đấu trúng giá vào ngày 20-1-2011 do cơ quan Thi hành án Dân sự huyện Thoại Sơn tổ chức. Sau đó, ngày 7-11-2013 được UBND huyện Thoại Sơn cấp giấy chứng nhận QSDĐ, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được số đất này. Tuy nhiên, khi đấu trúng giá, cơ quan Thi hành án Dân sự huyện kết hợp UBND xã Định Thành có xuống địa bàn giao phần đất.

Lúc này, lúa đang sinh trưởng nên tôi chờ thu hoạch xong sẽ nhận đất. Đến khi lúa cắt xong, gia đình tôi thuê máy cày đến cày xới, rồi ngâm giống chuẩn bị sạ lúa, gia đình bà Phụng ra ngăn cản. Sau đó, hộ này tiếp tục sạ lúa, cứ như đất vẫn thuộc về sở hữu của họ. Tôi đã ít nhất 4 lần thuê cày xới, ngâm giống để sạ lúa nhưng đều bị ngăn cản, thậm chí có mùa khi tôi vừa sạ xuống thì bị sạ chồng lên. Có vụ mùa, gia đình tôi đến địa phương nhờ hỗ trợ việc sạ lúa, thậm chí nhờ người canh giữ đất nhưng đâu rồi vào đó, vẫn không thực hiện được.

Tôi chi ra số tiền lớn để mua đất, nhưng 7 năm qua chưa nhận được tài sản là thiệt thòi quá lớn. Tôi đã khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn. Tôi nhờ cơ quan chức năng vào cuộc một cách hiệu quả, giao lại số đất mua hợp pháp cho tôi”.

UBND xã Định Thành cho biết : “Sau khi giao đất cho người mua hợp pháp nhưng hộ bị thi hành án vẫn đứng ra tranh cản. Hộ bà Út vẫn chưa nhận được đất. Địa phương hòa giải nhiều lần nhưng vẫn không thành và vụ việc chuyển lên trên giải quyết.  UBND  huyện đã xem xét, tổ chức đối thoại (có sự tham gia của địa phương) nhưng vụ việc vẫn chưa ngã ngũ. Địa phương rất cần sự hợp tác, hỗ trợ, xem xét giải quyết dứt điểm vụ việc này”.

Bài, ảnh: N.R