Không giới hạn nhưng thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng

18/03/2018 - 08:22

Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018, các chuyên gia khuyến cáo thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông tin các trường, không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đưa ra các phương thức tuyển sinh khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của thí sinh như: mở thêm ngành, tổ hợp môn xét tuyển mới...và Quy chế tuyển sinh năm nay cũng có một số điểm thay đổi đối với cả thí sinh và các trường. 

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, để có cơ hội trúng tuyển cao nhất, thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông tin của các trường, không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ tuyển sinh năm nay có 4 điểm thay đổi so với năm 2017.

Quy chế tuyển sinh năm nay cũng có một số điểm thay đổi đối với cả thí sinh và các trường.

Cụ thể, điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển chỉ còn 0,25 điểm, giảm một nửa so với năm ngoái; Bộ không quy định “điểm sàn” cho các ngành đào tạo, trừ ngành đào tạo sư phạm; điểm xét tuyển năm nay được làm tròn đến 2 chữ số thập phân thay vì làm tròn đến 0,25 điểm như trước đây và các trường phải công khai thông tin tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp của 2 năm trước. Những thay đổi này đều nhằm trả lại quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường, giảm bớt những bất cập về điểm ưu tiên khi xét tuyển và thêm các kênh thông tin để thí sinh chọn ngành, chọn trường.

Từ sự thay đổi của Quy chế, nên nhiều trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã có sự thay đổi về phương thức tuyển sinh, điều kiện xét tuyển, mở thêm ngành mới. Đặc biệt, nhiều trường còn đưa ra những tổ hợp môn xét tuyển mới để đáp ứng nhu cầu của thí sinh như: Ngữ văn, Sử, tiếng Anh; Ngữ văn, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ; Toán, Sinh học, Lịch sử;... 

Ông Bùi Xuân Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết: "Trong năm 2018 này thì trường Đại học Mỏ - Địa chất vẫn tiến hành tuyển sinh theo 3 phương thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt một số ngành nghề trong trường thì chúng tôi đã mở rộng khối thi để tăng sự lựa chọn cho các em. Tuy nhiên vẫn đảm bảo cái cốt lõi là tất cả những ngành nghề đó thì đều có môn Toán, tức là môn cơ bản, mà nó có thể nói là môn mà mọi ngành nghề đều có thể học được khi có kiến thức tốt về Toán học".

Cùng với việc công bố thông tin tuyển sinh, các trường cũng công bố các ưu đãi đối với từng ngành đào tạo, đặc biệt là những ngành nghề có tính đặc thù để thu hút thí sinh, như: cấp học bổng, hỗ trợ giới thiệu việc làm...

Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng.

Theo ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo đại học và sau đại học, Trường Đại học Thủy lợi, một số ngành khó tuyển của các trường không phải do sinh viên tốt nghiệp không có việc làm mà do xu hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh thay đổi. Các em mong muốn làm những công việc nhàn, lương cao, ở các thành phố lớn, nên không thích những ngành kỹ thuật, học tập vất vả, làm việc ở những nơi đặc thù.

"Trường Đại học Thủy lợi có một số ngành khó tuyển sinh, như là ngành Kỹ thuật công trình biển, Thủy văn, Kỹ thuật công trình thủy và một số ngành nữa. Tuy nhiên, những ngành này là những ngành rất cần thiết cho các sự phát triển kinh tế- xã hội nên nhà trường vẫn duy trì và thúc đẩy. Với những ngành khó tuyển sinh nhưng có nhu cầu của xã hội thì hiện nay nhà trường đang có rất nhiều cơ chế chính sách cho các ngành đó, ví dụ như ưu đãi cho các em trong quá trình học tập, ưu đãi giới thiệu việc làm cho các em, gắn kết các doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động." - ông Thạc nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đều khuyến cáo, thí sinh cân nhắc thật kỹ các thông tin về ngành, nghề, cơ hội việc làm... trước khi đăng ký xét tuyển. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn; các trường mở rộng xét tuyển theo nhiều phương thức, với nhiều khối xét tuyển mới... thì các thí sinh cũng phải có năng lực thực sự mới có thể theo học được các chương trình bậc đại học. Nếu tổ hợp môn xét tuyển chênh lệch với chương trình đào tạo thì việc học sẽ gặp khó khăn bởi người học không cùng khối kiến thức cơ bản đào tạo. 

Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội khuyến cáo: "Mặc dù Bộ bỏ điểm sàn, nhưng điểm đầu vào quá thấp thì quá trình đào tạo rất vất vả, thứ 2 là rất có khả năng những sinh viên ở đầu vào thấp quá thì sẽ không đủ năng lực tiếp thu kiến thức của trình độ đại học, rất có thể các em sẽ bị bỏ ngang trong quá trình học đại học thì có thể dẫn đến những lãng phí không cần thiết cho cả gia đình, xã hội và nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng, nhưng các em sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất phù hợp với điểm thi ở mỗi đợt xét tuyển.

Nếu các em đã chọn được ngành học phù hợp với năng lực, sở thích và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều thì nên đăng ký xét tuyển từ ba đến năm nguyện vọng, trong đó, có nguyện vọng thấp hơn năng lực, nguyện vọng bằng với năng lực và nguyện vọng cao hơn năng lực để định hướng phấn đấu. Thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, đăng ký vào những ngành, trường không phù hợp với năng lực để đỗ đại học bằng mọi giá, vì có thể các em sẽ không theo được chương trình đào tạo, hoặc không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp./.

Theo MINH HƯỜNG (VOV)