Không phát hiện = Không lây truyền

12/12/2018 - 07:38

 - Là một phát hiện mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV dựa trên bằng chứng khoa học. Đó là thông điệp K=K, 1 trong 3 mục tiêu “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” của Bộ Y tế, để kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

K=K được dịch từ tiếng Anh U=U (Undetectable=Untransmittable) là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) với người nhiễm HIV. Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học và nhấn mạnh rằng, một người có HIV nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục từ không đáng kể đến không có nguy cơ.

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: hiện nay các nhà khoa học đã chứng minh “Không phát hiện = Không lây truyền”. Tức là, nếu 1 người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt, thì thông thường sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bởi điều trị bằng ARV hiện nay được coi là biện pháp dự phòng có hiệu quả. 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Vì vậy, việc điều trị sớm bằng thuốc ARV và điều trị đúng sẽ làm giảm khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Mít-tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống AIDS

Điều này có nghĩa rằng, 1 người nhiễm HIV được điều trị ARV khi có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện sẽ vừa bảo vệ sức khỏe cho người sống chung với HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV sang bạn tình. Đồng thời, thông điệp này làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người nhiễm HIV tuân thủ điều trị.

Với 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác, việc kiểm soát tải lượng virus HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.  Tải lượng HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện sẽ giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV. Nếu 1 người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây truyền HIV cho người thân và cho người khác trong cộng đồng. Người nhiễm sẽ không thể tiếp cận và cung cấp được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ, nhất là điều trị bằng thuốc ARV. 90% số người được điều trị bằng ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới ngưỡng phát hiện) là chỉ số cho thấy, người nhiễm HIV đang sống khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.

Tuy nhiên, lưu ý: “Không phát hiện = Không lây truyền” chỉ có ý nghĩa dự phòng với lây truyền HIV qua đường tình dục. Thông điệp này không áp dụng với lây truyền HIV qua dùng chung kim tiêm khi tiêm chích. Do vậy, ngay cả người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế vẫn phải sử dụng bơm kim tiêm sạch và không dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích.

Tại An Giang, nhiều người nhiễm HIV tự kỳ thị chính bản thân và sợ bị cộng đồng phân biệt đối xử. Đây là tấm lưới vô hình làm cho người nhiễm HIV sợ “lộ diện”, sợ đến các cơ sở y tế để tiếp cận việc điều trị. Dù hiện nay mạng lưới phục vụ việc xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS đã lan tỏa khắp các huyện, thị xã, thành phố nhưng nhiều người nhiễm HIV ở địa phương này lại sang địa phương khác để xét nghiệm, điều trị bởi họ sợ bị lộ danh tính. Thực tế, nhiều người nghi ngờ bị nhiễm HIV nhưng không dám đi xét nghiệm. Hoặc 1 người có khi đi xét nghiệm HIV ở nhiều nơi với những tên họ khác nhau. Có những người nhiễm HIV không tìm được việc làm nên không có thu nhập lại càng khó tiếp cận được các dịch vụ y tế. Hơn nữa, người không có thẻ bảo hiểm y tế sẽ phải chịu chi phí khám, chữa bệnh rất lớn và không có thuốc ARV để điều trị (vì loại thuốc này không bán ở ngoài thị trường).

Hiện nay, dịch vụ điều trị kháng HIV (ARV) được thực hiện ở Phòng khám Ngoại trú người lớn (Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang), Phòng khám Ngoại trú nhi (Bệnh viện Sản - Nhi An Giang), Phòng khám Ngoại trú của các Trung tâm Y tế 9 địa phương (TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú, Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân). Riêng Trung tâm Y tế TP. Long Xuyên có cơ sở điều trị ARV, hiện đã quản lý, tiếp cận được với các đối tượng nhiễm HIV. Tại đây, người nhiễm được tư vấn, chăm sóc sức khỏe và được cấp thuốc uống để phòng ngừa lây lan trong cộng đồng.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU