Khúc sông cạnh nhà

19/01/2018 - 06:46

 - Lúc trước, hễ ở cạnh sông là người dân có thói quen: rửa rau, giặt đồ, tắm… đều ra bờ sông. Múc nước làm chút việc vặt cũng lặn lội ra bờ sông. Trời nắng nóng, con nít rủ nhau nhảy ào ra sông chơi đùa. Bởi nếp sinh hoạt ấy mà mỗi nhà tự làm cầu gỗ bắc ra mé sông để tiện tới lui. Hình ảnh ấy bình dị với họ đến mức, khi tôi tìm hỏi chuyện, các nhân vật trong bài đều ngẩn người, chẳng biết kể từ đâu?

Nhiều năm trước, khi nước máy khan hiếm, chưa về được vùng sâu, vùng xa, nước sông trở nên thiết yếu với cuộc sống người dân. Nước sông bơm lên, dự trữ trong lu, chia thành 2 loại: loại lóng phèn kỹ lưỡng, dùng để rửa chén, rửa rau, thịt; còn loại kia cứ để y vậy, dùng để dội rửa, tắm, đủ việc linh tinh. Mà người ta chỉ tắm trong nhà khi không tiện, hoặc nhường cho khách phương xa.

Thông thường, chuyện tắm rửa đơn giản lắm: chiều chiều, chỉ cần vắt khăn lên vai, cầm theo xà phòng, người dân (kể cả nam, nữ, con nít) bước ra sông, “nhờ” dòng nước cuốn trôi mọi dơ bẩn. Nước vừa mát, vừa nhiều, mang lại cảm giác thư thái cho cơ thể. Tắm xong, họ để nguyên bộ đồ ướt trên mình, lội ngược vào nhà, thủng thỉnh thay đồ sạch.

Nhiều bà nội trợ giỏi, tranh thủ đem theo thau đồ để giặt, giặt xong thì tắm cho mình. Khi trở lên, đồ sạch, bản thân cũng sạch, tâm tình họ nhẹ nhõm hơn. Bọt xà phòng trắng xóa một khúc sông, nhanh chóng tan ra, rồi bình lặng như cũ. Nhịp sinh hoạt cứ thế lặp đi lặp lại, ngày này sang ngày khác. Bởi vậy, câu hát “Ở nơi đó tôi có một người thương/ Cứ chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo” trong bài ca cổ “Chợ Mới” đi vào lòng người, cũng là điều dễ hiểu!

Hình ảnh tắm sông của trẻ em vùng sông nước

Hình ảnh tắm sông của trẻ em vùng sông nước

Chỗ quen thuộc ấy còn là nơi “tụ tập” của đám trẻ con những khi rảnh rỗi. “Lúc nhỏ xíu, thấy người lớn hay xuống mé sông tắm, tôi đòi theo. Sau đó, tôi được dạy bơi, lặn. Hễ được nghỉ học, tôi và đám bạn kéo nhau ra đó tắm. Tắm bình thường thì chán lắm. Cả nhóm thách nhau: xuất phát từ cầu ván, ai bơi nhanh hơn, lặn lâu hơn thì thắng. Không có gì thích thú bằng việc nghịch nước, nên đứa nào đứa nấy chơi quên giờ về. Đến khi leo lên bờ, cả cơ thể tím bợt, nhăn nheo, đói run.

Khi trưởng thành, lập gia đình rồi, mỗi lần nghĩ đến cảnh đó, tôi vẫn tự cười một mình, cảm thấy mình đã có “tuổi thơ dữ dội”. Kể lại cho con trai nghe, nó đòi được tắm sông giống như vậy, tôi chỉ biết hứa “chừng nào có dịp” cho qua chuyện. Ngẫm lại, biết chừng nào tôi hoặc con tôi mới có dịp nhảy cầu ván tắm sông như thuở xưa?” - anh Trần Văn Tình (29 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) bộc bạch. Câu hỏi của anh chìm giữa tiếng xe cộ inh ỏi buổi sáng sớm, mà sao nghe mênh mang là buồn.

Không gắn bó với miền quê sông nước, nhưng ký ức về chiếc cầu nằm men bờ sông vẫn ăn sâu vào ký ức của nhiều người phố thị. Chị Nguyễn Phương Thùy (36 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, một năm chỉ về quê đôi ba lần. Nhà ngoại tôi nằm bên cù lao Phú Tân, hướng ra sông. Hồi 9-10 tuổi, mỗi lần tôi theo ba mẹ về quê đám giỗ, mấy thím, mấy bác gái trong bếp hay nói: “Con gái lớn chừng này là phụ việc trong bếp được rồi!”.

Rồi họ giao việc cho tôi. Nào là đem mớ giẻ lau ra bờ sông giặt cho sạch, chút nữa nấu ăn xong, lại dùng để lau nhà. Nào là bưng mớ củ quả xuống sông, chà cho sạch vỏ ngoài, sau đó rửa sạch với nước máy… Tôi không biết bơi, mà cầu gỗ lại trơn trợt. Bước ra đến mé sông, phải loay hoay tìm cách ngồi xuống. Vừa lóng ngóng chà rửa, vừa để ý đặt đồ đạc sang 1 bên.

Có khi, giẻ lau rớt xuống nước, chậm tay vớt là chúng lững thững trôi đi. Hậu đậu nên một lúc lâu tôi vẫn chưa xong việc. Nhờ đám em bạn dì, cô cậu trạc tuổi phụ giúp, cuối cùng tôi cũng “hoàn thành nhiệm vụ”, nhưng mình mẩy ướt nhẹp. Vài lần sau, tôi dạn chân hẳn, không còn sợ té. Giờ, mỗi khi nhìn thấy đoạn cầu nào ở mé sông, tôi lại nhớ “trải nghiệm” của mình ngày xưa”.

Hôm đi công tác, tôi vô tình nhìn thấy một người đàn ông trung niên cặm cụi sửa chữa đoạn cầu đã mục nát. Tôi hỏi, ông vui vẻ giải thích: “Bữa nào cúp nước, nhà tôi mới ra đây xài nước sông. Đám cháu ngoại ở TP. Hồ Chí Minh thỉnh thoảng về chơi, hay bước ra đây ngắm cảnh. Tôi sợ tụi nhỏ đạp trúng đoạn cây mục, té xuống sông, nên lâu lâu ra kiểm tra, gia cố lại”.

Cuộc trò chuyện với ông rất ngắn, nhưng lại khiến tôi bận lòng. Cuộc sống thay đổi theo thời gian. Nước máy ngày càng sạch, nước sông ngày càng ô nhiễm, cộng với sạt lở bờ sông nghiêm trọng, nên ít người duy trì thói quen cũ. Mọi sinh hoạt đều được sử dụng bằng nước sạch hợp vệ sinh, nên mấy ai nghĩ đến việc xuống sông tắm giặt như trước?

Dần dần, cây cầu ở mé sông trở nên lẻ loi, nằm thương nhớ bước chân người. Lớp trẻ, nếu có nấn níu chút ký ức về hình ảnh ấy, cũng sẽ vội quên bởi bộn bề công việc, nhịp sinh hoạt mới chi phối. Còn những người lớn tuổi, gắn cả cuộc đời với khúc sông, mỗi khi đưa mắt nhìn ra sông lại tặc lưỡi, bâng quơ: “Hồi xưa, nước sông sạch mà mát lắm, đâu phải như bây giờ...”?

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG