Kiên Giang: Chủ trương giảm 35% lượng hải sản khai thác

15/08/2018 - 14:14

Tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có bờ biển dài gần 200km, vùng biển rộng trên 63.000km2 với 143 đảo lớn nhỏ, những năm qua ngành thủy sản đạt giá trị cao.

A A

Trong đó, nghề khai thác biển phát triển khá nhanh và nay tỉnh chủ trương giảm 35% sản lượng để nâng cao chất lượng và hiệu quả.  

Thực trạng nhiều hạn chế

Sản lượng khai thác biển hằng năm ở Kiên Giang chiếm khoảng 16% tổng sản lượng cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng ĐBSCL. Năm 2015 đạt 493.824 tấn; năm 2017 đạt 765.275 tấn và 6 tháng đầu năm 2018 là 370.450 tấn.

Tàu đánh cá ở đảo Phú Quốc đa số công suất nhỏ (Ảnh: Phạm Duy)

Thực trạng khai thác biển hiện nay, toàn tỉnh có 10.763 tàu cá với tổng công suất 2.726.438 mã lực, công suất bình quân mỗi tàu 253 mã lực. Tính ra, từ năm 2015, số lượng tàu tăng hàng năm 1,33% (năm 2015 mới có 10.322 chiếc). Trong đó, 10.364 tàu khai thác và 376 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong khai thác có gần 20 loại nghề nhưng tập trung chủ yếu ở 4 họ nghề chính: lưới rê, lưới kéo, lưới vây và nghề câu. Lưới rê có hơn 3.598 tàu (chiếm 34% số lượng, 8% công suất); lưới kéo có 3.425 tàu (chiếm 32% số lượng, 76% công suất).

Sản lượng khai thác chủ yếu ở nghề lưới kéo, chiếm trên 75% tổng sản lượng khai thác của tỉnh. Lưới kéo là nghề khai thác không có tính chọn lọc cao nên ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi hải sản. Sản lượng tôm, cá khai thác với cường lực cao đã làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản; chất lượng sản phẩm khai thác không cao, bảo quản sản phẩm chưa được cải thiện. Bên cạnh, số lượng tàu cá hoạt động ven bờ cũng còn nhiều (5.006 tàu), đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi ven bờ.

Trình độ lao động của ngư dân cũng còn hạn chế, nhất là kỹ năng vận hành máy, thiết bị công nghệ. Thị trường tiêu thụ, giá nguyên liệu hải sản thiếu ổn định đã tác động nhiều mặt đến chất lượng khai thác. Kinh tế tập thể trong đánh bắt hải sản chậm phát triển, chưa phát huy hiệu quả.

Một hạn chế cần quan tâm của nghề khai thác biển Kiên Giang là vi phạm vùng biển nước ngoài. Sau khi EU rút thẻ vàng với hải sản Việt Nam, công tác chống đánh bắt IUU được triển khai mạnh ở Kiên Giang, thế nhưng 6 tháng đầu năm 2018 vẫn còn 14 tàu với 129 ngư dân Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Tuy đã giảm 17 tàu với 38 ngư dân so với cùng kỳ năm trước nhưng thực trạng vẫn là nghiêm trọng. Bên cạnh, các lực lượng chức năng của Kiên Giang đã xử lý 7 vụ với 13 phương tiện có hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Trong đó, tước giấy phép khai thác thủy sản 1 vụ với 2 phương tiện, tước bằng thuyền trưởng 3 vụ.  

Giảm lượng để nâng chất

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: “Công tác quản lý nghề cá còn hạn chế, bất cập, thiếu căn cơ, nhất là quản lý về số lượng tàu cá, nghề khai thác, hạn ngạch, tầng suất, trữ lượng khai thác nguồn lợi. Hạn chế do nhiều nguyên nhân song chủ yếu là vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền trên lĩnh vực kinh tế thủy sản còn hạn chế”.

Tàu đánh cá ở đảo Nam Du chủ yếu gần bờ (Ảnh: Phạm Duy)

Chủ trương của tỉnh Kiên Giang hiện nay: “Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng giảm tỷ trọng trong hoạt động khai thác biển”. Cụ thể, giảm nghề lưới kéo, khai thác ven bờ; phát triển nghề lưới rê theo hướng xa bờ. Giảm sản lượng khai thác từ 765.275 tấn của năm 2017 xuống mức 500.000 tấn vào năm 2020 (giảm gần 35%) và duy trì ổn định. Sản lượng khai thác ven bờ giảm xuống 35% và tăng sản lượng khai thác xa bờ lên 65%. Số lượng tàu khai thác hiện nay 10.763 chiếc, giảm dần xuống còn 10.000 chiếc (giảm 7%). Quan tâm đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị, ngư cụ khai thác, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất cho ngư dân.

Qua đó, sản lượng khai thác biển giảm nhưng chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế tăng, cùng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản để duy trì tốc độ tăng thủy sản hằng năm trên 9%. “Kiên Giang đặt mục tiêu, giá trị thủy sản năm 2020 sẽ chiếm 51,5% GDP”, Bí thư Nguyễn Thanh Nghị nói.

Theo PHẠM DUY TƯƠNG - HOÀNG VŨ (Nông Nghiệp)