Kiên Giang phá hàng trăm ha mía để chuyển đổi sản xuất

30/10/2018 - 13:41

Huyện Gò Quao (Kiên Giang) vận động người dân phá bỏ khoảng 130ha đất trồng mía lâu năm, chuyển đổi sang loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

A A

Trước tình hình giá mía liên tục sụt giảm trong vài năm gần đây, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang vận động người dân phá bỏ khoảng 130ha đất trồng mía lâu năm để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Việc chuyển đổi sản xuất dự kiến sẽ gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu tư tương đối tốn kém, tuy nhiên chủ trương này của huyện nhận được sự đồng thuận của hầu hết nông dân trồng mía.

Huyện Gò Quao vận động người dân phá bỏ khoảng 130ha đất trồng mía lâu năm, chuyển đổi sang loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Từ năm 2015 đến nay, giá mía nguyên liệu được công ty mía đường bao tiêu chỉ nằm ở mức từ 650 - 800 đồng/kg. Nhiều gia đình bán 1 tấn mía thậm chí còn không đủ tiền trả chi phí thuê mướn nhân công, tiền vật tư nông nghiệp.

Vụ thu hoạch mía năm nay đã đến gần, nhưng giá mía vẫn không có chiều hướng tăng, trái lại còn bấp bênh hơn trước. Chính vì vậy, dù không đành lòng từ bỏ cây trồng truyền thống và còn băn khoăn về triển vọng khi chuyển đổi sang những loại cây khác nhưng hầu hết người trồng mía Gò Quao vẫn quyết tâm phá mía.

Ông Trần Văn Đẩu, ngụ tại ấp Vĩnh Hòa 4, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao có hơn 20 năm gắn bó với cây mía, giờ đây quyết định sau khi thu hoạch dứt điểm đợt mía lần này sẽ phá mía để chuyển sang trồng lúa. Theo ông Đẩu, nếu cứ cố gắng bám trụ với cây mía, kinh tế gia đình sẽ ngày càng lâm vào bế tắc, chuyện thua lỗ là không thể tránh khỏi.

Nông dân Lê Văn Võ ở cùng xã Vĩnh Hoà Hưng Nam cũng có chung suy nghĩ, "mía năm nay lỗ quá, có 400 – 500 đồng/kg. 1 tấn có 2 triệu. Bây giờ mình chuyển qua cây khác thì 1 công 5 – 7 triệu. Nếu có chính quyền hỗ trợ để dân đỡ ít nào hay ít đó".

Do giá mía bấp bênh nên chỉ trong 3 năm, diện tích trồng mía của huyện Gò Quao đã giảm hơn 300 ha, hiện nay còn chưa đến 900 ha. Trước tình hình không mấy khả quan, huyện Gò Quao tính toán lại diện tích trồng mía và chọn xã Vĩnh Hòa Hưng Nam để thí điểm chuyển đổi sản xuất ở quy mô lớn.

Giá mía mấy năm qua bấp bênh khiến bà con trồng mía gặp nhiều khó khăn.

Huyện đưa ra 3 nhóm cây chủ yếu gồm: lúa, hồ tiêu và cây ăn trái để nông dân tham khảo. Muốn chuyển đổi sản xuất thì người dân cần đầu tư cải tạo đất. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, chi phí này khoảng 25 triệu đồng/ha và địa phương đang đề xuất một số biện pháp để hỗ trợ người nông dân.

Ông Dương Duy Duyệt, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gò Quao cho biết, phòng nông nghiệp tham mưu cho UBND huyện để UBND huyện làm việc trực tiếp với các đơn vị thi công. Hướng trước mắt chúng tôi tạo điều kiện cho người nông dân được giãn tiền chuyển đổi này, người dân trả trước 50%, 50% còn lại sẽ ký hợp đồng với doanh nghiệp trúng thầu chuyển đổi này, sau đó 1 năm sẽ trả dần số tiền này. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao và tạo điều kiện chuyển đổi thành công.

Trong lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Gò Quao sẽ giảm dần diện tích trồng mía xuống dưới 600 ha vào năm 2020 và tiếp tục chờ những định hướng từ ngành sản xuất mía đường để có tính toán tiếp theo.

Trước mắt, năm nay sẽ giảm 130 ha, năm 2019 giảm 150 ha, chủ yếu ở vùng ven sông Cái Lớn vì vùng này có điều kiện đón phù sa, dễ cải tạo đất. Chuyển đổi với quy mô lớn, có sự tính toán kỹ lưỡng của ngành nông nghiệp và được sự đồng thuận cao của người dân, huyện Gò Quao đang hy vọng thực hiện chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công.

Theo VOV