Kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội cùng tháo gỡ khó khăn cho tỉnh

13/05/2019 - 07:44

 - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh vừa có buổi tiếp xúc, gặp gỡ Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp thứ 6, UBND tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị. Thông qua Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh đã đăng ký làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chính phủ, bộ, ngành liên quan ghi nhận và có điều chỉnh phù hợp, sát với tình hình thực tế của tỉnh. Điển hình như, để hỗ trợ đầu tư tuyến nối Quốc lộ 91 và đường tránh TP. Long Xuyên, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 71/2018/QH14 điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, cho phép sử dụng nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án. Ngày 22-11-2018, Bộ Giao thông - Vận tải có quyết định phê duyệt dự án. Về Đề án “Tầm nhìn chiến lược Đề án liên kết phát triển tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án, đang lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan. Về chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2018-2020, theo hướng ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các địa phương, Bộ Xây dựng ghi nhận và có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành và địa phương để tham mưu Chính phủ điều chỉnh...

Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và tạo nguồn thu cho tỉnh, An Giang tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư doanh nghiệp, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiến nghị: “Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho đất trồng lúa. Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 của Chính phủ quy định: UBND cấp xã có trách nhiệm xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa. Quy định này không phù hợp với chủ trương thực hiện tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Do đó, kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định này”.

An Giang có đường biên giới tiếp giáp Campuchia gần 100km, có 4 cửa khẩu cấp quốc gia và cấp quốc tế với Campuchia. Lượng hàng hóa xuất khẩu sang Campuchia và đi các nước khác khá lớn, tăng hàng năm. Năm 2018, tổng thu thuế xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới là 191,3 tỷ đồng; 3 tháng đầu năm 2019 là 16,2 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn thu này do hải quan thu và nộp 100% ngân sách Trung ương. Để hỗ trợ địa phương tái đầu tư kết cấu hạ tầng, khu vực cửa khẩu để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới còn nhiều khó khăn, An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế để lại nguồn thu hàng hóa xuất khẩu qua biên giới cho địa phương.

Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24-11-2017 để tỉnh tiến hành lập nhiệm vụ quy hoạch, tích hợp các quy hoạch vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 2050. Cho phép lập hồ sơ đề xuất đầu tư năm 2019 và cho chủ trương bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2021-2026 đối với dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm đầu tại TP. Châu Đốc, điểm cuối tại TP. Sóc Trăng)…

Ngoài ra, tỉnh còn đề xuất nhiều kiến nghị với bộ, ngành. Cụ thể, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành thông tư hướng dẫn về định mức chi phí hoạt động quy hoạch, để khái toán chi phí lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 và có cơ sở để ghi vốn cho hoạt động lập quy hoạch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí vốn để hoàn thành dự án đoạn tuyến tránh Quốc lộ 91 từ cầu Bình Mỹ đến cầu Cây Dương. Kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng đoạn Tân Châu - Châu Đốc trong giai đoạn 2021-2022 để hoàn thiện kết nối, phát huy hiệu quả khai thác toàn tuyến N1. Đối với Thanh tra Chính phủ, An Giang đề nghị có quy định cụ thể đối với trường hợp đối tượng thanh tra trốn tránh hoặc không làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành về đất đai.

Tại buổi làm việc, các vị ĐBQH đã thông tin thêm các ý kiến đóng góp của cử tri khi Đoàn ĐBQH tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 trên địa bàn tỉnh; phân tích sâu các kiến nghị, vướng mắc của tỉnh; lắng nghe ý kiến của lãnh đạo sở, ngành, Thường trực UBND tỉnh đối với các vấn đề “nóng” của tỉnh. Đó là làm thế nào để người nông dân không còn băn khoăn “sản xuất nông nghiệp như một canh bạc may rủi”, trúng mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa? Những giải pháp, đề xuất nhằm giải quyết nạn bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm ma túy và đối tượng nghiện ma túy... Qua đó, Đoàn ĐBQH tiếp tục ghi nhận ý kiến của tỉnh, chuẩn bị nội dung để kiến nghị, chất vấn, làm việc với Trung ương tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội cùng tháo gỡ khó khăn cho tỉnh

Quang cảnh buổi làm việc

Bài, ảnh: GIA KHÁNH