Kinh đô điện mặt trời dưới chân núi Cấm

15/05/2019 - 10:29

 - Có đến vùng biên giới Tịnh Biên những ngày hè này mới cảm nhận hết nắng gió đặc trưng nơi đây. Nắng rát mặt người, đất đai kém màu mỡ tưởng chừng như cây cối không lớn được. Thế nhưng, chính cái khắc nghiệt của thiên nhiên lại tạo ra thứ tài nguyên quý giá để biến nơi đây thành kinh đô năng lượng sạch ở vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc.

Tại ấp An Thạnh (xã An Hảo, Tịnh Biên), vùng đất nông nghiệp từ bao đời người dân quen với nắng gió, với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Giữa mênh mang cánh đồng ấy, người dân Khmer chỉ trồng được 1 vụ lúa mùa ruộng trên duy nhất trong năm, năng suất rất bấp bênh. Nhưng rồi, cũng từ cánh đồng ấy sẽ “trồng” lên hàng trăm ngàn tấm pin năng lượng mặt trời sừng sững.

Nhà máy điện mặt trời Sao Mai Solar PV1 hoàn thành 90%

Sự đổi thay đang từng ngày hiện rõ trên vùng đất khó, mở ra cơ hội phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống người dân. Giám đốc Ban Quản lý Dự án Sao Mai Solar PV1 Hồ Mạnh Dũng chia sẻ, thủy điện có thể gián tiếp gây thiên tai, lũ lụt hủy hoại môi trường. Nhưng với điện mặt trời thì không, vì đây là kho báu vô tận, vĩnh cửu và thân thiện sẽ là xu hướng sử dụng tất yếu trong tương lai.

Ở Tịnh Biên, qua kiểm nghiệm, vào mùa hè, từ 6 giờ sáng cánh đồng pin năng lượng đã có thể đẩy được điện lên lưới và kéo dài tới 17 giờ mới tắt nắng. Tổ hợp điện mặt trời trải rộng trên 275ha, với công suất 210MW, tổng vốn 5.600 tỷ đồng, do Sao Mai đầu tư đã phát lệnh khởi công vào ngày 15-1-2019. Qua 4 tháng khẩn trương thi công, đến nay đã hoàn thành xong 90% các hạng mục. Dự kiến, ngày 30-6 sẽ hoàn thiện các thủ tục để phát điện thương mại.

Không chỉ là một trong những nhà máy năng lượng tái tạo lớn ở Châu Á, ông Dũng cho biết: “Chúng tôi đang định hình dự án năng lượng sạch kết hợp hài hòa để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở dưới tầng pin mặt trời và trở thành mô hình du lịch độc đáo. Mặt khác, Sao Mai Solar PV1 đang hướng tới xây dựng, hình thành trung tâm nghiên cứu, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực liên quan tới điện mặt trời”.

Theo quyền Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt thì năng lượng tái tạo là xu hướng phát triển bền vững. Phát triển lĩnh vực tiềm năng này là bước đột phá của địa phương trong cơ cấu các ngành nghề. Sao Mai Group đã đầu tư kinh phí khá lớn để triển khai Nhà máy Điện mặt trời tại chân núi Cấm là một quyết định hoàn toàn hợp lý, đúng đắn và mang tầm chiến lược dài hơi.

Để vận hành Sao Mai Solar PV1, tập đoàn đã huy động trên 2.000 kỹ sư, công nhân làm việc ngày đêm trên công trường, trong đó có đến hơn 100 kỹ sư, tư vấn, giám sát đến từ Tập đoàn Sterling Wilson (Ấn Độ) hàng đầu thế giới về công nghệ điện mặt trời. Sao Mai đã sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ, nhập khẩu 800 container, trong đó có hơn 300.000 tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất từ Nhật Bản, khoảng 8.000 tấn thiết bị với công nghệ tân tiến và hiệu quả nhất hiện nay cùng hơn 1 triệu mét cáp các loại.

Tập đoàn Sao Mai đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN, khi dự án hoàn thành sẽ được đấu nối lên lưới điện quốc gia

Đặc biệt, đại công trường Sao Mai Solar PV1 còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động công nhật người Khmer với mức thu nhập từ 250.000 - 300.000 đồng người/ngày. Đây là điều chưa có tiền lệ tại vùng đất có đến 90% là người dân tộc sinh sống. 

Điều này cho thấy sức lan tỏa của dự án năng lượng tái tạo không chỉ góp phần vào tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân, mà còn tạo nên những giá trị to lớn khác tác động trực tiếp thúc đẩy phát triển các lĩnh vực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, biến vùng khó khăn khô cằn trở nên màu mỡ để chuyển dịch kinh tế, cơ cấu đất đai, hình thành thị trường bất động sản công nghiệp… góp phần đưa vùng đất biên giới Tây Nam cất cánh.

Trong quá trình thi công “Kinh đô năng lượng sạch dưới chân núi Cấm”, các kỹ sư của Tập đoàn Sterling Wilson đã có cơ may bắt được rắn hổ mây nặng gần 40kg, dài khoảng 8m thơ thẩn “tham quan dự án”. Vô tình lọt vào lãnh địa của công trình, loài thanh xà quý hiếm này đã được nuôi nhốt cẩn thận tại Khu di tích lịch sử cách mạng đồi Tức Dụp để du khách có cơ hội mục sở thị sản vật độc đáo của Thiên Cấm Sơn huyền bí.

HỒ NHUNG