Kinh tế An Giang phục hồi và phát triển

01/01/2019 - 07:38

 - Kết thúc năm 2018, kinh tế An Giang tiếp tục được phục hồi và phát triển, nhiều lao động ở thành thị và nông thôn có việc làm ổn định. Kim ngạch xuất khẩu tăng so cùng kỳ, đạt 840 triệu USD, doanh nghiệp chế biến lúa, gạo và cá tra xuất khẩu đã phục hồi.

Nông nghiệp tăng trưởng

Năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 6,52% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,04% (đóng góp 0,65 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung) cao hơn mức tăng 0,55% của năm 2017; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,88% (đóng góp 1,29 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung) cao hơn nhiều mức tăng 6,38% của năm 2017; khu vực dịch vụ tăng 8,64% (đóng góp 4,49 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung). GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 34,333 triệu đồng/người/năm, tương đương 1.507 USD/người/năm, tăng 7 USD so cùng kỳ năm 2017.

Điểm đặc biệt của nền kinh tế tỉnh trong 2 năm (2017, 2018), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng trưởng dương. Cụ thể, năm 2018 tăng 2,04% so cùng kỳ. Đây là tín hiệu vui bởi tính đến thời điểm này, nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, vì vậy, khi nông nghiệp ở mức tăng trưởng dương, lúa và cá đều được mùa lẫn trúng giá, xuất khẩu 3 mặt hàng chủ lực của tỉnh (gạo, cá tra, rau quả) được đẩy mạnh, vì vậy đời sống nông dân được nâng lên đáng kể. “Nếu so với những năm trước, năm 2018 nông dân trong tỉnh có cuộc sống khấm khá hơn, bởi nông sản làm ra được tiêu thụ rất thuận lợi. Trong 3 vụ sản xuất vừa qua, lúa trên đồng luôn ở mức có lợi cho nông dân. Bình quân từ 4.750 - 5.700 đồng/kg (tùy loại), với mức giá này, nông dân lãi thấp nhất 20 triệu đồng/ha, con số này khá tốt so với 5 năm trước” - ông Trần Thanh Phương (xã Long An, TX. Tân Châu) phân tích.

Doanh nghiệp phục hồi

Nông nghiệp phục hồi, đời sống nông dân khá lên, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp phát triển trở lại, từ đó đã hỗ trợ cho địa phương trong việc giải quyết việc làm cho địa phương một cách tích cực. Nông nghiệp được phục hồi, một lần nữa khẳng định chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn (trong bối cảnh hiện nay). Trong số 17 doanh nghiệp, với 23 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trong tỉnh, một số đơn vị đã phục hồi trở lại, vươn lên mở rộng sản xuất, phát triển vùng nuôi mới để đẩy mạnh xuất khẩu. Công ty Cổ phần Nam Việt, với mã chứng khoán ANV, giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. “Quy trình kinh doanh của Nam Việt là một chuỗi sản xuất khép kín và bền vững từ nguyên liệu đến tiêu thụ. Nam Việt có khả năng kiểm soát từ giá cả và chất lượng cung ứng đến số lượng nhu cầu của khách hàng nhờ vào chuỗi sản xuất khép kín. Chúng tôi có cả một vùng mặt nước rộng đến 300ha để ương cá giống, nuôi cá thịt, có hệ thống nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, nhà máy chế biến sản phẩm xuất khẩu cùng với hệ thống phân phối để tạo dựng khách hàng. Nếu Vĩnh Hoàn tự hào là công ty xuất khẩu cá tra nhiều nhất vào thị trường Mỹ thì Nam Việt tự hào là nhà sản xuất cá tra, xuất khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc và các thị trường khác trên thế giới” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới thông tin.

Để mở rộng quy mô sản xuất, mới đây, Nam Việt đã có cuộc họp với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước về Dự án nuôi trồng thủy sản của Nam Việt tại xã Bình Phú (Châu Phú). Đây là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cá tra. Dự án có diện tích 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỉ đồng. Ngày 15-12-2018 vừa qua, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho Nam Việt. Dự kiến ngày 8-1-2019, Nam Việt sẽ làm lễ khởi công dự án này, đây được xem là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất tỉnh từ trước đến nay. Dự án này là minh chứng thiết thực cho chủ trương mời gọi đầu tư của tỉnh trong thời gian qua.

“An Giang được xem là trung tâm kinh tế thương mại kết nối giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và TP. Phnom Penh (Campuchia) và là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia và của các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với Vương quốc Campuchia, các nước thành viên ASEAN. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, An Giang có lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp; du lịch; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại biên giới, vì vậy trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển theo định hướng này…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng khẳng định.

MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích